Đây là Dự án xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới bền vững trước thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Tiến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT phát biểu tại Hội thảo Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai áp dung mô hình thí điểm "Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới". |
Dự án hiện thực hóa các nội dung của Tiêu chí 3.2 về “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trên thực tế, tại các xã điểm đại diện cho các vùng miền thông qua 6 mô hình thí điểm tại 6 xã đại diện cho các khu vực: miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khu vực Đô thị, khu vực Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể là: xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương); xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An); xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); xã Ea Ô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk); xã Tân Quới (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, việc thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch phòng, chống thiên tai, đưa yếu tố an toàn trước thiên tai của cộng đồng dân cư vào trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo thành quả của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc xây dựng, triển khai mô hình “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới” để nhân rộng trên cả nước nhằm phát huy hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Quang cảnh hội thảo |
PGS.TS Nguyễn Hữu Huế, Thư ký của Dự án cho biết, Dự án đã xây dựng được 6 mô hình “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” đáp ứng mục tiêu “ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Anh Nguyễn Thanh Dương, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy quân sự kiêm Đội trưởng Đội xung kích phòng chống thiên tai, xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, xã được chọn xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới”. Do vậy, các cấp, các ngành của Trung ương và thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí mua sắm nhiều trang thiết bị, phương tiện đảm bảo cho công tác lãnh, chỉ đạo, chỉ huy. Từ các nguồn tài trợ, địa phương đã rà soát, trang bị cho từng hộ dân ở khu vực thấp trũng, ngập lụt những chiếc áo phao, ghe, từ đó góp phần đem lại hiệu quả, an toàn cho người dân khi mùa mưa lũ đến.
Qua kết quả triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm, Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, để việc triển khai nhân rộng mô hình đạt kết quả, Ban chỉ đạo TW về PCTT và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM cần sớm ban hành “Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã đủ điều kiện phòng chống thiên tai tại chỗ” trên cơ sở kết quả triển khai của dự án. Đồng thời chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai nhận rộng.
Đặc biệt, trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cần thiết phải xây dựng Đề án về thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” trong xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên vào việc Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị 42/CT-TW của Ban Bí thư và nghị quyết 76/2018/NQ-CP của Chính phủ...
Dự án Xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng NTM (Dự án) được thực hiện từ tháng 7/2018 - 12/2020. Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai thuộc Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đơn vị chủ trì thực hiện với các đơn vị phối hợp từ các cơ quan trung ương và các địa phương.