Phát triển kinh tế rừng ở vùng biên xứ Thanh

Thu Thủy| 20/03/2023 19:37

(TN&MT) - Thời gian qua, bà con các dân tộc xã vùng biên Na Mèo, thuộc huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đã được chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ chính sách, mô hình trồng luồng, vầu đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Na Mèo trồng “vàng xanh”

Mới tảng sáng, huyện vùng cao Quan Sơn hãy còn chìm trong sương lạnh, đây là lúc chúng tôi lách cách hành trang vượt 40km đường núi từ thị trấn Sơn Lư để đến xã vùng biên Na Mèo. Hành trình đến với Na Mèo khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô bên dòng suối với làn nước trong xanh. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn nổi bật trên nền trời xanh ngắt.

anh-1(2).jpg
Người dân và lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Na Mèo

Sau khoảng 1 tiếng “lắc lư” trên con đường uốn lượn quanh lưng chừng đồi, chúng tôi bỏ ô tô lại trung tâm xã Na Mèo, tiếp tục lên xe máy theo đồng chí Ngân Phúc Hậu - Phó Chủ tịch xã băng qua cánh rừng cùng những con đường khúc khuỷu trơn trượt để đến được nhà anh Vi Văn Mừng ở bản Son. Đây là một trong những hộ điển hình phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo từ trồng rừng tại địa phương.

Anh Mừng dẫn chúng tôi thăm 15 ha rừng vầu của gia đình, vừa đi anh vừa chia sẻ: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay diện tích vầu của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, ở vùng đất này, không có cây gì phù hợp hơn cây vầu. Sau 4 đến 5 năm cây vầu bắt đầu cho thu hoạch, giá trị mang lại từ 60 đến 70 triệu đồng/năm, cây vầu có chu kỳ lưu gốc trên 60 năm. Bên cạnh trồng vầu, gia đình được chính quyền địa phương giao khoán bảo vệ, trồng rừng gần 3ha và được Nhà nước chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường. Số tiền này được chúng tôi sử dụng mua các vật tư để trồng, phát triển và bảo vệ rừng.

Nhìn cánh rừng vầu bạt ngàn xanh tốt, đem lại giá trị kinh tế cao, không quá khi gọi đây là những “thỏi vàng xanh khổng lồ” góp phần phát triển kinh tế đời sống bà con các dân tộc miền núi nói chung, xóa đói giảm nghèo đối với người dân bản Son xã Na Mèo nói riêng.

anh-2(2).jpg
Những chính sách bảo vệ rừng gắn phát triển kinh tế giúp người dân miền núi thoát nghèo

Để có được những thông tin, tư liệu chân thực nhất về mảnh đất miền biên đầy đặc biệt này, chúng tôi tiếp tục rời bản Son, để đến với bản Bo Hiềng, xã Na Mèo. Tại đây, chúng tôi gặp anh Vi Văn Châm đang miệt mài phát cây bụi rừng luồng, anh chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 7ha trồng luồng, vầu, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình trong nhiều năm qua. Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, người dân chúng tôi sinh sống chủ yếu dựa vào rừng. Mỗi năm, nhờ vào trồng các cây lâm sản, lâm nghiệp giúp gia đình thu nhập bình quân từ 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn được Nhà nước chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, số tiền được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, trồng mới rừng, giúp người dân có thêm thu nhập. Các chính sách của Nhà nước những năm qua về bảo về rừng gắn với phát triển kinh đã giúp người dân chúng tôi xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng

Theo đó, từ năm 2020, UBND xã Na Mèo đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển thuộc Chương trình 30a và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135. Tiến hành triển khai xây dựng mô hình trồng vầu tại 2 bản Son và Ché Lầu. Đây là một chương trình dự án do UBND xã Na Mèo làm chủ đầu tư, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình tổ chức lao động sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Các hộ gia đình tham gia dự án là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện dự án như: Tập huấn kỹ thuật thâm canh cây vầu và hỗ trợ giống cây trồng. Tại bản Son có 13 hộ gia đình tham gia dự án, tạo thêm việc làm cho hơn 30 lao động với tổng diện tích rừng trồng là 34,6388 ha. Tại bản Ché Lầu có 23 hộ gia đình với hơn 80 lao động tham gia dự án trên diện tích là 90,3615 ha rừng trồng. Trong quá trình triển khai, 100% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của 2 bản đã hăng hái tự nguyện tham gia, thực hiện nghiêm túc các điều kiện của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình dự án, đầu tư chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, duy trì phát triển và nhân rộng mô hình.

anh-3(2).jpg
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn nhân

Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng tiếp tục được chính quyền và nhân dân xã Na Mèo quản lý chặt chẽ, phát triển rừng theo hướng bền vững, thực hiện tốt công tác bảo vệ PCCC rừng. Số diện tích rừng phòng hộ 775 ha, rừng sản xuất các hộ gia đình 4.755,61 ha, nhân dân tiếp tục trồng mở rộng diện tích vầu, luồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ riêng xã Na Mèo, được biết, từ khi đưa cây vầu vào trồng thâm canh từ năm 2013 đến nay, cây vầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân huyện Quan Sơn. Cùng với các giải pháp phục tráng, phát triển diện tích rừng vầu, vào năm 2018, huyện Quan Sơn được hỗ trợ dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, thực hiện tại 3 xã Sơn Điện, Mường Mìn, thị trấn Sơn Lư.

anh-4.jpg
Người dân phục tráng rừng luồng

Huyện Quan Sơn đã tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về thâm canh, phục tráng rừng luồng, nhằm thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc sang canh tác thâm canh, bón phân và chăm sóc rừng luồng cho người dân. Cùng với đó, huyện Quan Sơn đã làm mới 15 km đường ô tô lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khai thác, vận chuyển các sản phẩm đi tiêu thụ. Tính đến tháng 10/2022, toàn huyện đã khai thác được gần 7,5 triệu cây tre, luồng, nứa, vầu. Hầu hết các sản phẩm sau khi khai thác đều được các doanh nghiệp, đại lý thu mua phục vụ chế biến.

Trong năm 2022, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành nghiệm thu và chi trả dịch vụ môi trường rừng của năm 2021 trên diện tích 400.618 ha, chiếm trên 61,78% diện tích rừng toàn tỉnh, với tổng số tiền là 25.279 tỉ đồng. Đã có 22 chủ rừng là các tổ chức, 5 UBND cấp xã, 626 cộng đồng hoặc nhóm đại diện và 2.024 hộ gia đình được thụ hưởng kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, giúp các chủ rừng mua sắm trang thiết bị bảo vệ rừng, trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; giúp các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế rừng ở vùng biên xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO