Biển đảo

Phát triển kinh tế biển xanh và góc nhìn thực tiễn ở Quảng BìnhBài 2: Phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường

Nguyễn Thị Bảo Yến 22/11/2024 01:08

(TN&MT) - Với đường bờ biển dài và vùng đặc quyền lãnh hải rộng trên 20.000 km2, kinh tế biển trở thành một trong những ngành quan trọng của Quảng Bình. Tuy nhiên, để kinh tế biển phát triển bền vững, Quảng Bình cần dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân Quảng Bình đã đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển. Nhờ đó, du lịch Quảng Bình đã từng bước khẳng định được thương hiệu và tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều kết quả tích cực.

Description: Nhiều tổ tự quản thu gom rác trong khu dân cư được hình thành góp phần bảo vệ môi trường biển.
Nhiều tổ tự quản thu gom rác trong khu dân cư được hình thành góp phần bảo vệ môi trường biển.

Chống ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế phát triển du lịch biển cũng như những cơ hội lớn để ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển, vùng biển Quảng Bình đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức liên quan đến vấn đề suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên và môi trường biển, sự gia tăng ô nhiễm trong các cộng đồng dân cư, tình trạng xâm nhập mặn, xâm thực của thủy triều và cả những nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu.

Theo kết quả đánh giá từ cơ quan chức năng, tại nhiều điểm quan trắc, môi trường nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dinh dưỡng, ô nhiễm hữu cơ và kim loại do nguồn nước thải phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống hay các ngành công nghiệp đóng tàu.

Kèm theo đó, việc nuôi trồng thủy sản tại một số nơi chưa bảo đảm quy hoạch đã làm phát sinh đáng kể lượng chất thải ra môi trường; sự phát triển nhanh của ngành du lịch biển trong khi công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thích đáng khiến môi trường biển ngày càng bị đe dọa.

b2-anh-3.-bo-doi-bien-phong-chung-tay-lam-sach-bien.jpg
bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chung sức làm sạch biển

Nhằm bảo vệ môi trường biển, Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó, ưu tiên tăng cường kiểm soát nguồn thải từ đất liền.

Trên cơ sở bám sát định hướng của tỉnh, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá các nguồn thải, nước thải vùng cửa sông ven biển của tỉnh; xác định xu thế diễn biến chất lượng nước biển theo không gian và thời gian nhằm kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm nước biển, các sự cố ô nhiễm môi trường; từ đó, phục vụ cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo hiệu quả và bền vững.

Qua đó, đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của các sự cố môi trường đến vùng ven biển trên địa bàn.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các thành phần, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho cán bộ các ngành và cộng đồng dân cư thông qua việc lồng ghép với sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học và hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”…

Nhờ vậy, nhận thức bảo vệ môi trường của người dân tại một số địa phương ven biển ngày càng được nâng cao; nhiều nơi đã thành lập các tổ tự quản và dịch vụ thu gom rác thải, giữ gìn các bãi tắm ven biển.

b2.-anh-4(1).png
Hoạt động phát triển du lịch ở Bãi biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới

Phát triển bền vững kinh tế biển

Đặc biệt, nhằm bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; mục tiêu đưa kinh tế biển Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15-20% GRDP của tỉnh.

Theo đó, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) sẽ được Quảng Bình cụ thể hóa bằng các nội dung cơ bản, gồm: xây dựng và thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng vùng biển và ven biển phía Bắc từ đèo Ngang đến Bắc sông Gianh thành trung tâm kinh tế, nòng cốt là Khu kinh tế Hòn La thành khu kinh tế tổng hợp; phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng du lịch biển cao cấp, nông nghiệp sinh thái vùng biển và ven biển trung tâm từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh và phát triển phong điện, điện mặt trời, nuôi trồng chế biến thủy sản, kinh tế trang trại kết hợp với du lịch cộng đồng, sinh thái vùng biển và ven biển phía Nam từ Hải Ninh đến Hạ Cờ.

b2.-anh-5.-phoi-canh-khu-kinh-te-hon-la-huyen-quang-trach.png
Phối cảnh Khu Kinh tế Hòn La, huyện Quảng Trạch

Ngoài ra, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển sẽ tập trung xây dựng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân; nghiên cứu phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như: dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

b2.-anh-6.-bien-bao-ninh-mot-trong-nhung-bai-bien-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-bien-xanh-cua-quang-binh.png
Bảo Ninh - một trong những bãi biển tiềm năng phát triển kinh tế biển xanh của Quảng Bình

Có kế hoạch thiết lập và quản lý tốt hành lang bảo vệ bờ biển; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất trên biển; giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực...

Ngoài những giải pháp trên, trong thời gian tới, Quảng Bình cũng sẽ tập trung thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh phải theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

Nguyễn Thị Bảo Yến
Bí thư đoàn thanh niên phường Đồng Phú, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển xanh và góc nhìn thực tiễn ở Quảng Bình Bài 2: Phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO