Có một tình yêu biển theo cách rất... Dầu khí!
(TN&MT) - Đối với người lao động Dầu khí làm việc trên các giàn khoan, nửa đời họ gắn với biển cả. Cũng chính vì lẽ đó, người Dầu khí yêu biển và luôn ý thức bảo vệ biển như chính bảo vệ không gian “ngôi nhà thứ hai” của mình...
Trên mỗi giàn khoan, ngoài máy móc thiết bị khai thác dầu khí thì xung quanh chỉ là biển cả mênh mông một màu xanh. Màu xanh ấy cùng tiếng sóng vỗ vào chân đế giàn khoan đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của “lính nhà giàn”. Yêu và gắn bó với công việc bao nhiêu, người Dầu khí cũng yêu lấy biển bấy nhiêu. Cho nên, ngoài đảm bảo kết quả vận hành sản xuất thì bảo vệ môi trường, cùng nhau giữ màu xanh cho biển là mục tiêu hàng đầu của người dầu khí.
Và để đảm bảo mục tiêu đó, họ có những cách yêu cũng rất... dầu khí!
1. Gần đây, chúng tôi có dịp ra Giàn Công nghệ trung tâm Sư tử vàng – CPP (STV CPP) công tác, đây là giàn được đánh giá có văn hóa An toàn – Sức khỏe - Môi trường vào hàng tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Hơn 16 năm hoạt động, giàn đảm bảo tuyệt đối về công tác môi trường, chưa để xảy ra bất cứ sự cố nào gây ảnh hưởng đến môi trường nói chung, nhất là đối với môi trường biển. Để đạt được kết quả này không chỉ là câu chuyện vận hành các hệ thống xử lý mà còn là ý thức gìn giữ môi trường của mỗi thành viên trên Sư tử vàng CPP.
Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng cho chúng tôi biết, hoạt động sản xuất trên giàn có một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển. Đó là nguồn nước lẫn cùng dầu trong quá trình khai thác, rồi nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, nguồn rác thải các loại và đặc biệt là những nguy cơ rò rỉ dầu ngay trên giàn... Tất cả những nguồn này đều có quy định của các cấp để xử lý, từ quy định cụ thể của Nhà nước cho ngành Dầu khí, đến quy định riêng của đơn vị trực tiếp vận hành khai thác giàn.
Đầu tiên phải nói đến là nguồn nước từ vỉa lên cùng với dầu. Ở Sư tử vàng CPP là khoảng 60-70 nghìn thùng/ngày đêm (mỗi thùng 159 lít nước). Nếu không xử lý nghiêm, đạt tiêu chuẩn thì về lâu dài, nguồn này sẽ gây hại nghiêm trọng cho môi trường biển. Vậy nguồn nước này được xử lý thế nào?
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng nhóm An toàn – Sức khỏe – Môi trường của giàn, lưu chất (nước, dầu và khí) khai thác từ vỉa sẽ đi qua hệ thống tách để tách riêng biệt nước, dầu và khí. Nước sau đó tiếp tục đi qua hệ thống xử lý nước để loại bỏ tối đa phần dầu còn sót lại trong nước cho đến khi đạt tiêu chuẩn thì được xả xuống biển. Tiêu chuẩn Nhà nước quy định chung cho Dầu khí đối với nguồn nước này là nhỏ hơn 40 ppm (ppm là chỉ số đo hàm lượng dầu trong nước) nhưng ở Công ty điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC, đơn vị vận hành khai thác Sư tử vàng CPP) đã chủ động nâng tiêu chuẩn này lên là nhỏ hơn 35ppm. Đặc biệt, triển khai thực tế trên giàn Sư tử vàng, nguồn nước trước khi xả xuống biển luôn đạt tiêu chuẩn ở mức từ 20-25ppm. Điều này cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm bảo vệ môi trường, mức độ đầu tư cho công tác môi trường trên giàn của Cửu Long JOC...
Tương tự, nguồn nước thải sinh hoạt trên giàn cũng vậy. Nước thải sẽ được thu gom vào hệ thống xử lý cho đến khi đạt các tiêu chuẩn xả thải. Hệ thống xử lý nước này được CBCNV phụ trách trên giàn theo dõi, kiểm tra liên tục nhằm đảm bảo xử lý kịp thời những sự cố của hệ thống, không để nước chưa đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường biển.
Ngoài ra, nguồn nước mưa trên giàn cũng là một vấn đề được lưu ý. Mùa mưa bão trên biển bắt đầu từ tháng 6-7 hàng năm, kéo dài tầm 3-4 tháng. Những cơn mưa to có thể cuốn theo váng dầu ở những khu vực thuộc hoạt động khai thác, chứa dầu trên giàn. Do đó, mặt sàn tại những khu vực này được thiết kế thông minh, tức là sẽ có một hệ thống thu gom toàn bộ nguồn nước mưa đưa vào hệ thống xử lý nước của giàn. Tại đây, váng dầu (nếu có) được tách ra và đưa ngược về bể chứa dầu, còn nước sạch sẽ được xả ra biển...
2. Hôm đến giàn, chúng tôi được các anh phụ trách công tác an toàn hướng dẫn đi tham quan một vòng trên giàn. Từ trên nhìn xuống biển, có thể thấy rõ những đàn cá lớn nhỏ tung tăng bơi lội xung quanh. Hình ảnh này minh chứng rằng, môi trường nơi đây an toàn cho các sinh vật biển.
Bất ngờ hơn nữa là khi chúng tôi được biết rằng, các đàn cá có thói quen tìm đến chân đế giàn để tìm thức ăn. Hóa ra là toàn bộ thức ăn dư thừa trên giàn chính là nguồn thức ăn đều đặn hằng ngày của những đàn cá này. Theo quy định cho ngành Dầu khí ngoài khơi, thức ăn thừa sẽ được phép thả xuống biển để làm thức ăn cho cá, kèm theo đó là quy định rõ kích thước xương của động vật thả xuống biển. Nếu xương động vật vượt quá kích thước quy định, anh em trên giàn phải cho vào máy xay nhỏ ra trước khi thả xuống biển, mục đích là tránh làm cá... hóc xương!
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, chỉ duy nhất thức ăn thừa là được phép thả xuống biển, toàn bộ các loại rác thải khác sẽ được thu gom và phân ra 6 loại theo tiêu chuẩn dầu khí. Sau đó, định kỳ khoảng 15 ngày/1 lần sẽ có tàu đưa về bờ xử lý...
Nếu như các loại nước thải, rác thải kể trên là nguồn phát sinh hằng ngày trên giàn thì có một mối nguy khác có tính chất phức tạp và nghiêm trọng hơn đối với môi trường biển nếu chẳng may xảy ra, đó là các sự cố tràn dầu.
Tất nhiên, hầu hết anh em làm việc trên các giàn dầu khí chứ không riêng gì ở Sư tử vàng CPP đều được đào tạo rất bài bản và định kỳ hàng năm đều được huấn luyện về ứng phó sự cố tràn dầu. Sự cố này hiếm khi xảy ra, nhưng sự chuẩn bị thì lúc nào cũng trên tinh thần sẵn sàng cao nhất để ứng phó.
Theo Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng, khi sự cố xảy ra, căn cứ vào lưu lượng tràn dầu thực tế, Giàn trưởng sẽ kích hoạt tình huống xử lý tương ứng. Đầu tiên là xử lý tại chỗ bằng con người, thiết bị được trang bị sẵn trên giàn đối với những sự cố rò rỉ, tràn dầu quy mô nhỏ. Cấp thứ 2 là sử dụng dịch vụ thu gom dầu tràn từ các tàu dịch vụ trực quanh mỏ. Họ sẽ tiến hành vây dầu tràn rồi thả một loại hóa chất khiến dầu co lại và tiến hành thu gom. Ở mức độ lớn hơn, sẽ cần đến dịch vụ chuyên xử lý sự cố tràn dầu với các thiết bị chuyên dụng mà đơn vị ký kết hợp tác để xử lý.
“Cửu Long JOC hợp tác với một đơn vị trong ngành về dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu. Rất may là chưa bao giờ phải dùng đến!” - Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng chia sẻ. Còn trong trường hợp sự cố lớn hơn, đơn vị sẽ báo cáo lên cấp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét giải quyết...
Tuần nào cũng vậy, cứ vào mỗi thứ bảy, anh em trên Giàn Sư tử vàng CPP đều tổ chức họp về công tác an toàn. Đây là cuộc họp rất thú vị và ý nghĩa bởi không có những tuyên truyền sáo rỗng hay phê phán cá nhân. Ở đây, những vấn đề an toàn trên giàn vốn được ghi nhận qua hệ thống “Stop card” trong tuần qua sẽ được đưa ra thảo luận, phân tích để từ đó phát huy, nhân rộng (với hành động tốt) hoặc làm bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại (với hành động chưa phù hợp). Bên cạnh đó, chương trình văn nghệ trước mỗi buổi họp cũng giúp các thành viên vui vẻ, gần gũi nhau hơn...
Công tác bảo vệ môi trường biển cũng được Giàn trưởng và anh em Phụ trách công tác an toàn, môi trường lồng ghép vào các đề tài, câu chuyện thời sự và đổi mới hình thức tuyên truyền để dễ tiếp nhận hơn. Cứ liên tục như thế, việc bảo vệ môi trường biển đã trở thành ý thức, thành văn hóa ở mỗi người lao động trên giàn. Điều này đã góp phần tạo vào thành tích an toàn suốt hơn 16 năm hoạt động của Sư tử vàng CPP.
Từng có dịp đi nhiều công trình, giàn khoan Dầu khí trên biển nước ta, chúng tôi để ý thấy trên mỗi công trình chứ không riêng gì trên giàn Sư tử vàng CPP đều có những mảng xanh. Đó chính là những góc nhỏ được anh em tận dụng để trồng những chậu hoa, đặt bể nuôi cá cảnh nhằm tạo không gian xanh. Ở những công trình có không gian rộng hơn như trên tàu chứa dầu FPSO Thái Bình (Cửu Long JOC vận hành, khai thác), anh em còn trồng được cả dưa lưới, nho, táo và gửi về đất liền làm quà! Khó ai có thể tưởng tượng ra ở giữa biển khơi, nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất đối với cây trồng lại có những mảng xanh như thế!
Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng nói, màu xanh hài hòa của biển, của cây trên các công trình dầu khí ngoài khơi có ý nghĩa rất quan trọng. Đó không chỉ là không gian thư giãn mà còn để nhắc mỗi người phải luôn thân thiện với môi trường xung quanh.
Và khi đã yêu lấy môi trường sống, người ta sẽ hết lòng bảo vệ nó, như cách người Dầu khí bảo vệ biển xanh vậy!