Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanhBài 1: Thực trạng môi trường biển và nhận thức của người dân
(TN&MT) - Người dân Quảng Phú quê tôi giờ không còn ai xa lạ với những cụm từ nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh, giữ biển xanh. Một phong trào giảm rác thải nhựa, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng xanh đang lan tỏa rộng khắp khiến chất lượng môi trường và đời sống, thu nhập ngày càng được nâng lên. Chứng kiến những đổi thay trên quê hương, tôi thực sự rất vui vì trong thành quả chung đó, có một chút công sức riêng của chúng tôi đã được các cấp, các ngành và địa phương triển khai, ghi nhận.
Là địa phương được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài với nguồn lợi thủy hải sản phong phú và cánh đồng muối bao la có từ xa xưa, tuy nhiên, những năm gần đây, các ngành nghề truyền thống ở Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) gắn với biển đang dần bị mai một do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường biển bị ô nhiễm do ảnh hưởng của rác thải nhựa, nhiều ngư dân, diêm dân phải chuyển đổi việc làm, di cư đi các địa phương khác để mưu sinh.
Rác nhựa do đâu
Theo thống kê và qua quan sát của các hộ kinh doanh ở địa phương, hàng ngày, có hàng nghìn chiếc túi nilon và cốc nhựa được người dân sử dụng trong sinh hoạt thải ra, cộng với việc chợ dân sinh của địa phương nằm gần cửa biển khiến cho lượng rác thải nhựa thải trực tiếp ra biển rất nhiều.
Sinh kế của người dân Quảng Phú chủ yếu phụ thuộc vào biển. Theo Hội nông dân xã Quảng Phú: Phía Đông giáp biển có tới 3/4 ngư dân Nam Lãnh, Hải Đông, Phú Xuân cuộc sống phụ thuộc vào đánh bắt, làm nước mắm và chế biến thủy hải sản; Phía Nam của xã giáp với cửa sông Ròn đổ ra biển là vùng sản xuất muối truyền thống của diêm dân 4 thôn Phú Lộc (Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3, Phú Lộc 4).
Cũng theo các hộ kinh doanh ở khu vực trước cổng trường, chỉ tính riêng bình quân 1 em học sinh trong nhà trường hàng ngày thải ra môi trường khoảng 2 đến 3 túi nilon, 1 chai nhựa đựng nước hoặc 1 cốc nhựa dùng một lần. Như vậy bình quân trong 1 ngày, 745 em học sinh trường THCS Quảng Phú thải ra môi trường khoảng1.490 túi nilon và khoảng 745 cốc nhựa hoặc chai nhựa dùng một lần (phần lớn là túi nilon, hộp đựng đồ ăn sẵn, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng 1 lần từ các quán ăn trước khu vực cổng trường gần kề với biển).
Đây là tình trạng đáng báo động bởi rác thải nhựa có thời gian phân hủy tới hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm trong môi trường tự nhiên, gây hại đến động, thực vật, thậm chí làm thay đổi cả hệ sinh thái biển.
Mặt khác, người dân nơi đây thường xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường đất. Trường hợp đốt lộ thiên khiến ô nhiễm không khí. Nguy hiểm nhất là cách xử lý rác theo kiểu “nhanh nhất, tiện ích nhất” là thải ra biển. Không chỉ rác thải trong sinh hoạt của người dân mà còn có rác thải nhựa ở các nơi đổ về bị sóng đánh dạt vào bờ tạo nên các bãi rác thải lớn trên cạn và dưới biển khiến cho môi trường biển bị ô nhiễm, việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn khiến các ngành nghề truyền thống dần bị mai một theo.
Bác Nguyễn Ngọc Lý - ngư dân có gần 20 năm bám biển sinh sống bằng nghề đánh bắt cho hay: “Việc đánh bắt hiện nay của người dân gặp nhiều khó khăn, hai đứa con trai đầu của tôi phải lên thành phố làm thuê bởi thu nhập từ nghề cá thất thường, bữa đánh bắt được, bữa không; nguồn lợi thủy hải sản ngày càng suy giảm do môi trường biển bị ô nhiễm, cá tôm thì ít, rác thải nhựa dính lưới thì nhiều, gỡ mất thời gian, có hôm chỉ vừa bù tiền lưới, tiền xăng dầu. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, nhiều ngư dân bỏ nghề ở các làng chài; các hộ dân chế biến thủy hải sản cũng ngày càng ít đi; các phiên chợ cá ngày càng vắng vẻ”.
Không chỉ tác động đến môi trường biển, đến sinh kế của cư dân ven biển ở địa phương, rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạt vi nhựa có trong môi trường nước và chúng đang hàng ngày xâm nhập vào cơ thể con người. Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu người và các loài động vật. Việc tiếp xúc hàng ngày với các sản phẩm nhựa, ví dụ như chai nhựa và túi nilon kém chất lượng, có thể dẫn đến tiềm ẩn các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả tác động của các hợp chất hóa học có trong nhựa đối với sức khỏe con người.
Nhận thức về rác nhựa còn mơ hồ
Rõ ràng, nhựa - nếu không được sử dụng hợp lý và rác thải nhựa nếu không xử lý đúng cách sẽ là mối nguy rất lớn đối với sức khỏe con người và môi trường biển. Tuy nhiên, trước khi có các hoạt động bảo vệ môi trường diễn ra rộng khắp ở đây, qua kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức của người dân nói chung và các em học sinh trường THCS Quảng Phú nói riêng về tác hại của rác thải nhựa rất hạn chế.
Bảng kết quả khảo sát về nhận thức của học sinh về rác thải nhựa:
Kết quả khảo sát trước truyền thông | ||
Thang điểm | Số lượng HS được khảo sát | Tỉ lệ (%) |
1.0- 4.9 | 610 | 81,9 |
5.0 - 6.5 | 117 | 15,7 |
6.6 - 7.9 | 18 | 2,4 |
8.0 - 10 | 0 | 0 |
Tổng | 745 | 100% |
Phân tích bảng khảo sát kết quả nhận thức của học sinh Trường THCS Quảng Phú về tác hại của rác thải nhựa trên đây cho chúng ta thấy, có tới 81,9% học sinh trong nhà trường chưa có nhiều hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa, vì vậy chưa thúc đẩy các em học sinh và phụ huynh sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa gắn với phát triển kinh tế biển truyền thống bền vững ở địa phương.
Địa phương và Nhà trường đều nhận thức rõ vấn đề trên, đồng thời thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cho các em học sinh và phụ huynh cần phải được đặt lên hàng đầu, không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn gắn với phát triển các ngành nghề truyền thống bền vững ở địa phương mà còn gắn với vấn đề đảm bảo an toàn về an ninh kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động, chương trình hành động để bảo vệ môi trường biển chưa triển khai sâu rộng, nhất là các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, sinh kế, sức khỏe của người dân nói chung và cư dân ven biển nói riêng.
Các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, hay các chương trình, sáng kiến về phát triển các ngành nghề truyền thống của kinh tế biển gắn với thực hành bảo vệ môi trường biển của địa phương cũng còn hạn chế.
Đặc biệt là chưa áp dụng các sáng kiến xanh để bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Bảo vệ môi trường – trách nhiệm không của riêng ai
Từ thực tế nêu trên, với trách nhiệm của những người con yêu quê hương, yêu biển và lợi thế là giáo viên, được tiếp xúc với những kiến thức bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững, sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất với Ban Giám hiệu thành lập Câu lạc bộ vì môi trường, triển khai các chương trình hành động, đặc biệt, áp dụng sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc tận dụng lá chuối, lá bàng, mo cau và tận dụng thời gian nhàn rỗi của người dân cùng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất hộp đựng đồ ăn sáng, thay cho các hộp xốp nhựa.
Cùng với đó là sáng kiến cải tiến bề mặt sân bê tông phơi muối từ tận dụng than rơm, rạ đốt trong môi trường yếm khí (tức là môi trường cháy không có oxi, không gây ô nhiễm). Mục tiêu nhằm tăng năng suất muối so với phương pháp sản xuất truyền thống để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Việc này còn giúp giảm phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa, bảo vệ môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng nguồn muối sạch tại chỗ phục vụ cho việc chế biến thủy hải sản của ngư dân, tạo nên vùng sản xuất liên hoàn thủy hải sản - lúa nước - muối ăn. Đây là chuỗi sản xuất có mối liên hệ mật thiết trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển, với phương pháp làm đơn giản, không đòi hỏi cao về khoa học kỹ thuật, phù hợp với trình độ người dân…
Chúng tôi rất vui vì những sáng kiến trên đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát triển các ngành nghề kinh tế biển truyền thống, tạo nên vùng sản xuất kinh tế tuần hoàn ven biển ở địa phương. Sáng kiến cũng đồng thời kỳ vọng làm sáng tỏ nhận thức: Muốn phát triển bền vững thì việc đầu tiên quan trọng ở địa phương là phải chung tay bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng, trách nhiệm này không của riêng ai mà của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, dân cư và của mỗi người dân.
Lê Thị Hảo
Giáo viên Trường THCS Quảng Phú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Bài 2: Từ nhận thức đến hành động