Pháp lý minh bạch - yếu tố quan trọng của thị trường bất động sản
(TN&MT) - Khác với giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) "nóng sốt", khách hàng sẵn sàng lựa chọn sản phẩm "bán lúa non", giờ đây, nhiều khách hàng cẩn trọng hơn khi "xuống tiền" và sản phẩm đáp đầy đủ pháp lý được nhiều khách hàng quan tâm. Cũng trong xu hướng này, nhiều doanh nghiệp BĐS khu vực phía Nam cũng chọn hình thức “ăn chắc mặc bền”, chạy đua hoàn thiện pháp lý dự án để tung sản phẩm ra thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2022, thị trường BĐS được xem là nơi “hái ra tiền” của đội ngũ môi giới, nhà đầu tư (NĐT) và chủ đầu tư dự án BĐS. Theo đó, đầu tư vào BĐS đã giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giai đoạn đó của thị trường BĐS đã qua đi, nhiều NĐT đã “tỉnh mộng” khi chứng kiến làn sóng cắt lỗ ồ ạt tại những khu vực từng xảy ra "sốt đất". Trong đó, nhiều NĐT BĐS bị áp lực lãi suất ngân hàng tăng cao buộc phải bán “cắt lỗ” để giải tỏa áp lực tài chính. Thị trường BĐS đứng trước cảnh người bán nhiều hơn người mua, giao dịch ảm đạm, thanh khoản xuống thấp.
Trước tình thế khó khăn của thị trường BĐS, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS. Ngoài tháo gỡ về pháp lý dự án, lãi suất ngân hàng cũng đã giảm dần. Tính đến thời điểm tháng 11/2023, có đến 16 ngân hàng đã hạ lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, trong đó, kỳ hạn 1-2 tháng giảm xuống mức còn 2,6%/năm. Động thái này cũng kéo theo lãi suất cho vay giảm mạnh, tạo ra cơ hội và điều kiện hấp dẫn đặc biệt đối với những người có nhu cầu mua nhà.
Trước câu hỏi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm sâu, cuối năm 2023 dòng tiền sẽ đổ vào đâu, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân dịp cuối năm 2023. Trong đó, xu hướng NĐT đang chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như: BĐS, chứng khoán, vàng... "Bên cạnh việc lãi suất được điều chỉnh về mức ổn định, tín dụng khơi thông, các chính sách bán hàng ưu đãi của chủ đầu tư, cũng như dự án có pháp lý minh bạch cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán tài chính cho người mua nhà, thúc đẩy thị trường BĐS thêm sôi động" - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực sau giai đoạn sàng lọc, cũng như những sự thay đổi trong xu hướng sở hữu BĐS của NĐT. Mặc dù, giá cả và vị trí vẫn là những yếu tố được quan tâm hàng đầu của người mua và NĐT BĐS ở thời điểm hiện tại, nhưng những người mua có nhu cầu ở thực hay NĐT có tầm nhìn dài hạn có xu hướng ngày càng khắt khe hơn với lựa chọn của mình. Trong đó, yếu tố an toàn về pháp lý dự án, hạ tầng hiện hữu và loại hình sản phẩm BĐS tạo ra dòng tiền luôn được NĐT đặc biệt quan tâm ở giai đoạn hiện nay.
Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, cũng như trong bối cảnh thị trường nguồn cung nhiều nhưng lượng cầu thấp, nhiều chủ đầu tư thay vì tung sản phẩm “bán lúa non” như khi thị trường còn sôi động, thì nay họ lại chú trọng đến khâu hoàn thiện pháp lý dự án nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Đơn cử như, dự án FIATO City (TP. Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chỉ mới trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường, nhưng đơn vị phát triển đã được cấp phép xây dựng và tiến hành khởi công dự án. Một dự án khác cũng vừa hoàn thiện pháp lý và rao bán đến khách hàng là Bảo Vinh Residences (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Hay Phu Dong Group cũng tung ra thị trường chung cư Phú Đông Sky Garden (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), khi dự án gần như hoàn thiện cả khối toà nhà…
Ông Đoàn Chí Thanh - Giám đốc Hoàng Anh Holdings nhận định, trong thời gian trước, một số chủ đầu tư dự án BĐS và một số sàn môi giới giao dịch kinh doanh BĐS đã chú trọng vào việc triển khai bán hàng, nhưng lơ là việc quan tâm đến yếu tố pháp lý dự án, vì cứ nghĩ sẽ triển khai song song, nhưng khi có trục trặc, khâu pháp lý bị tắt đã làm cho khách hàng, NĐT mất niềm tin vào thị trường. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường BĐS chậm lại.
"Ngoài những yếu tố như tín dụng, dịch bệnh, lạm phát..., để tạo niềm tin cho khách hàng, NĐT yên tâm với sản phẩm của mình, các chủ đầu tư cần chú trọng hoàn thiện khâu pháp lý, xây dựng... để thu hút người mua. Thời gian tới, các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chính sách bán hàng kích cầu sẽ là yếu tố quyết định cho việc triển khai bán hàng nhanh chóng, tạo niềm tin cho thị trường BĐS và cũng qua rồi giai đoạn mua bán kiểu "lời hứa" của các chủ đầu tư không có tiềm lực và chụp giật” - ông Đoàn Chí Thanh phân tích.