Phân rõ trách nhiệm trong hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 8, Dự thảo Nghị định) là chính sách mới trong Luật Đất đai 2024, theo đó Luật đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Để quy định chi tiết, Dự thảo Nghị định quy định rõ việc hỗ trợ đất đai đối với trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất lần đầu mà nay không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn tiền sử dụng đất; trường hợp thiếu đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở.
Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được hỗ trợ đất nông nghiệp.
Đồng thời, Dự thảo giao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số. Quy định rõ kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trường hợp địa phương không tự cân đối được ngân sách thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong quá trình lấy ý kiến về quy định này, có một số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Nghị định và đã được Bộ TN&MT giải trình tiếp thu. Đơn cử, Ủy ban Dân tộc đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết khoản 1, Điều 16 “Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng...”; khoản 2, Điều 16 “Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân....” vào Dự thảo Nghị định; tỉnh Thái Nguyên có ý kiến tại khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai quy định: “1. Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”. Do đó, đề nghị xem xét quy định chính sách về đất đai chung cho từng vùng bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, đối với đất sinh hoạt cộng đồng đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Nội dung này cũng đã được quy định tại Điều 79 về thu hồi đất “Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp nêu trên để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Điều 124 về giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, Điều 157 về miễn giảm tiền sử dụng đất… và tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Góp ý vào nội dung này của Dự thảo Nghị định, tỉnh Đắk Lắk đề nghị xem xét, cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 8 của Dự thảo Nghị định. Ví dụ như các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất... làm cơ sở cho chính quyền địa phương nghiên cứu, quy định chi tiết tại các văn bản của tỉnh. Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, nội dung như hạn mức sử dụng đất, diện tích tối thiểu được giao, khu vực được giao… sẽ được UBND cấp tỉnh quy định cụ thể nhằm phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương.
Còn Thừa Thiên - Huế đề nghị nghiên cứu hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc nói chung trong trường hợp đồng bào không phải là dân tộc thiểu số nhưng sống tại vùng dân tộc thiểu số, có điều kiện sống cũng khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số. Giải trình về vấn đề này, Bộ TN&MT cho rằng, Điều 16 Luật Đất đai 2024 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó nội dung tại Điều 8 của Dự thảo Nghị định chỉ quy định chính sách hỗ trợ riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng khác đã được quy định tại các điều khoản khác của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Tại Tờ trình Dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ TN&MT có xin ý kiến của Chính phủ về nội dung này. Cụ thể, về hỗ trợ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về trường hợp thiếu đất nông nghiệp là trường hợp đang sử dụng đất nông nghiệp nhưng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.
Theo Bộ TN&MT, việc quy định tỷ lệ diện tích đang sử dụng để làm rõ khái niệm “thiếu đất” là cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất về chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị không nhất thiết quy định diện tích đất nông nghiệp không đủ 50% thì mới hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu đồng bào thiếu đất nông nghiệp thì hỗ trợ cho đủ hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
ĐBQH Quảng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:
Tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng diện tích đất liền kề sang đất ở
Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, liên quan đến vấn đề đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung “nếu có đơn đề nghị” tại quy định: “đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương, nếu có đơn đề nghị thì được hỗ trợ đất nông nghiệp” tại Dự thảo Nghị định.
Bởi do các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thường có địa bàn rộng và đồng bào thường sinh sống gắn với cộng đồng (thôn, bản), họ tộc; đa số sản xuất thuần nông nên thường muốn ở gần ruộng nương, người thân của mình, do đó, nếu khu đất quy hoạch của Nhà nước ở quá xa nơi đang cư trú (thôn, bản) không thuận lợi cho đi lại, sản xuất thì mặc dù thiếu đất nhưng người dân cũng cân nhắc khi đăng ký (hoặc có thể đăng ký nhưng sau đó không đến ở, sử dụng vì không thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt).
Do đó, cần có quy định về việc người dân có Đơn đề nghị (phải tìm hiểu rõ chính sách trước khi đăng ký; có cam kết sử dụng đất theo quy định của Nhà nước) để UBND xã tổng hợp chính xác nhu cầu khi lập tờ trình. Tránh trường hợp UBND cấp xã thống kê số hộ báo cáo lên cấp trên cao hơn nhu cầu thực tế, dẫn đến việc lập dự án thu hồi đất không chính xác. Bởi qua giám sát của Quốc hội năm 2023 về việc thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cho thấy: Năm 2019, khi lập Đề án tổng thể trình Quốc hội, số liệu tổng hợp số hộ có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất rất lớn nhưng khi thực hiện Dự án thì số hộ đăng ký tham gia thực tế thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, thực tế vùng đồng bào DTTS&MN, nhiều cá nhân (là con, em, cháu) được bố mẹ hoặc người thân tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất hoặc mua lại của người khác nhưng diện tích nhỏ (chỉ vài chục m2) và vẫn nằm trong thửa đất của người tặng cho, thừa kế, nhượng lại nên rất khó khăn khi tách thửa đất để làm nhà.
Do đó, cần có quy định tạo điều kiện cho cá nhân thuộc diện chính sách được chuyển mục đích sử dụng diện tích đất liền kề sang đất ở để có đủ diện tích làm nhà ở; trường hợp cá nhân có nguyện vọng được giao đất ở tại khu đất nhà nước bố trí thì được giao đất theo quy hoạch nhưng tổng diện tích đất ở (bao gồm cả diện tích đất đã có và diện tích được giao mới) không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND cấp tỉnh; trường hợp diện tích đất ở đã có và được giao bổ sung vượt hạn mức quy định thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích vượt hạn mức.
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Luật Đất đai sẽ đảm bảo chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện và có nhiều chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, có cơ hội phát triển cá nhân, cộng đồng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, những quy định chính sách của Luật Đất đai trước đây chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến chưa phù hợp với nội dung "trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều nên vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, có đến trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông, vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, những điều chỉnh tại Luật Đất đai mới sẽ đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là những quy định rõ ràng về các trường hợp, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” theo hướng công khai, minh bạch, dễ giám sát để khắc phục được tình trạng có một số địa phương thu hồi đất tràn lan đã xảy ra trước đây.
Đồng thời, Chương VII Luật Đất đai 2024 đã quy định chặt chẽ về công tác “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.