Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam phải chuẩn bị gì cho tương lai?

N.P 22/05/2024 - 15:36

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) nhận định và tin tưởng Petrovietnam với đội ngũ lãnh đạo mới trẻ trung, năng động, đặc biệt là thấu hiểu về người dầu khí, nghề dầu khí, sẽ tạo được sức bật mới cho Petrovietnam vươn lên những đỉnh cao mới.

b329a779-c3de-41de-88e2-69863b051e0e.jpg
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng

Về năng lượng tái tạo

Hiện nay, thế giới đang chuyển mình, năng lượng đang chuyển đổi từ dạng năng lượng truyền thống (than, dầu, khí) sang năng lượng tái tạo để giảm phát thải CO2, trở lại cân bằng như cách đây cả trăm năm. Nói “zero carbon” không có nghĩa là không phát thải CO2, mà là phát ra và thu vào bằng nhau. Thu vào từ rừng núi, cây cối, mùa màng… và các biện pháp thu hồi CO2 để chuyển CO2 thành hóa chất, rồi sau đó lại đốt.

Năm 2022, ước tính toàn thế giới đã đầu tư hàng trăm tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất, chiếm 55% đầu tư của toàn thế giới với xấp xỉ 150 tỉ USD cho điện mặt trời và 70 tỉ USD cho điện gió. Xếp sau Trung Quốc là Mỹ và châu Âu. Trong đó, Đức là quốc gia tiên phong nhất ở châu Âu.

Một phương án đầu tư khác đứng sau điện mặt trời và điện gió là CCUS - thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon. Đây cũng là một hướng đầu tư lớn và mang lại hiệu quả cao.

Còn một nguồn năng lượng mới nữa là nhiên liệu sinh học. Hiện nay, tỷ lệ nhiên liệu sinh học còn thấp, sản lượng của cả thế giới chỉ khoảng trên 100 triệu tấn/năm và quy mô sẽ không được tăng. Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học dù là xăng hay bio diesel đều có hạn chế về quy mô. Được chú ý nhất bây giờ và đang được phát triển là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai, đó là đi từ biogas. Tất cả rác thải nông nghiệp, rác thải công nghiệp, lâm nghiệp… đều được sử dụng làm ra nhiên liệu và được gọi là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai. Bằng nhiều cách khác nhau như lên men, nhiệt phân chuyển hóa thành ethanol.

Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện công nghệ nhiệt phân trong một dự án hợp tác với một viện nghiên cứu tại Đức và chuyển sinh khối nông nghiệp, như lõi ngô, rơm rạ… thành nhiên liệu. Đầu tiên, sinh khối được chuyển thành một hợp chất gọi là dầu sinh học (bio-oil), dầu này còn chứa một lượng lớn oxy có thể sử dụng cho các máy nông nghiệp tại các lâm trường, các hợp tác xã… Rất hy vọng Petrovietnam ủng hộ Viện Dầu khí để triển khai ở quy mô có thể phục vụ từng địa phương nhỏ. Theo tôi đây cũng là một con đường mà những nước nhỏ như Việt Nam có thể theo đuổi.

Các công ty dầu khí quốc gia cùng với Chính phủ đang giữ ít nhất trên 50% sản lượng dầu khí, còn các tập đoàn dầu khí tư nhân chỉ chiếm hơn 10% trữ lượng dầu khí. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực trong điều kiện cả thế giới đang nỗ lực giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những công ty dầu khí quốc gia nào kém năng động, lạc hậu thì sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Trong hoàn cảnh đó, nhiều công ty dầu khí đang cố gắng tìm hướng đi riêng cho mình, thích hợp và cân bằng giữa lợi nhuận trước mắt và hướng phát triển lâu dài. Đương nhiên là khi đầu tư cho lâu dài thì lợi ích trước mắt phải giảm đi. Sản lượng dầu khí trên thế giới vẫn còn tiếp tục tăng, nhưng không xa nữa đâu sẽ bắt đầu giảm xuống. Khi đó nếu không xoay chuyển kịp thì sẽ bị loại.

Petrovietnam phải chuẩn bị gì cho tương lai?

Về upstream, theo tôi, chúng ta vẫn sẽ phát triển mỏ trong nước, vẫn đi nước ngoài. Trữ lượng dầu khí trên thế giới vẫn còn, vẫn còn khai thác thì chúng ta vẫn tiếp tục làm. Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, lấy kinh nghiệm từ những dự án thành công để tiếp tục. Các đơn vị có thể làm thuê cho nước ngoài, làm thuê theo mùa, mở rộng hình thức kinh doanh...

Cơ chế còn nhiều bó buộc, nhưng Đảng, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ cho Petrovietnam và Luật Dầu khí sửa đổi đã được ban hành vào năm 2023… Tới đây, sẽ có kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 41 và chắc chắn sẽ có những bổ sung mới theo hướng tạo điều kiện tối đa cho Petrovietnam phát triển.

Đây là những điều kiện rất quan trọng để Petrovietnam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Petrovietnam với dàn lãnh đạo mới trẻ trung, năng động và đặc biệt là thấu hiểu về người dầu khí, nghề dầu khí, sẽ tạo được sức bật mới cho Petrovietnam vươn lên những đỉnh cao mới.

Cũng phải nói thêm yếu tố đầu tiên là con người. Tôi tin con người Việt Nam không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào, nhưng phải rèn luyện, phải học, phải biết làm việc. Biết làm việc không có nghĩa là ngồi xuống làm việc, mà phải biết hợp tác, liên kết, liên doanh. Không chỉ hợp tác trong nước, mà hợp tác nước ngoài cũng rất cần thiết. Chúng ta có lợi thế là nhỏ và đi sau, nên phải kết hợp và học hỏi từ những công ty lớn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm những dự án mạo hiểm trong các dự án về công nghệ sinh học, hydrogen...

Đây là những dự án hoàn toàn mới, chưa được thương mại hóa. Khoa học công nghệ, trang thiết bị chỉ là một phần, trước hết phải là con người và tổ chức.

Trong thời buổi chuyển đổi năng lượng như hiện nay, trung tâm nghiên cứu của các đơn vị phải hoạt động mạnh hơn nữa thì mới đủ sức hấp thụ những kiến thức mới của thế giới và áp dụng những công nghệ đó trong điều kiện của đất nước mình. Do đó, phải tập trung đào tạo con người, bao gồm đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau… Con người dầu khí rất giỏi, nhưng càng giỏi càng phải học.

Về tổ chức phải tốt hơn, phải liên kết rất mạnh, làm thế nào để cán bộ khoa học trong Petrovietnam làm việc với nhau như một khối thống nhất, khi đó mới tạo ra được sản phẩm mới.

Về downstream, phải khảo sát và tìm những phương án để ngành lọc - hóa dầu tiếp tục phát triển. Trước hết, phải chuyển một phần lọc dầu sang hóa dầu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm được một việc rất đáng khuyến khích là tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới, có nghĩa là đã có sự chuyển dịch nhất định. Theo lý thuyết, phải thay đổi các công đoạn của nhà máy thì mới có được sản phẩm hóa dầu. Có thể nói cơ sở của ngành hóa dầu là các olefin và các hợp chất thơm (các hydrogen có mạch benzen). Hiện nay trên thế giới mới có 10% dầu được chuyển thành hóa dầu, còn 90% vẫn là nhiên liệu. Nhu cầu thế giới về các sản phẩm hóa dầu đang tăng lên. Cuộc sống càng văn minh, sản phẩm hóa dầu càng được sử dụng nhiều.

Việc chuyển đổi từ lọc dầu sang hóa dầu cần thận trọng từng bước, nhưng phải quyết tâm. Muốn làm như vậy phải nghiên cứu để tìm ra những giải pháp rẻ tiền hơn hiện nay. Công nghệ càng phát triển, giá thành sản phẩm hóa dầu hay nhiên liệu sẽ càng rất thấp.

Theo tôi, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành lọc - hóa dầu của Petrovietnam trong tương lai. Muốn chuyển đổi, phải có tiền, có dự án, có nhân lực, nhưng đầu tiên vẫn phải có khoa học công nghệ, con người và tổ chức. Sau đó là các loại dự án khác tạo ra nhiên liệu, tạo ra năng lượng, tạo ra methanol, diesel, hydrogen… Chúng ta cũng nên triển khai việc tạo ra hydrogen từ một hướng đi mới là từ rác thải, nước thải, chất thải nông nghiệp, công nghiệp, hải sản… bằng các công nghệ khác nhau. Trên thế giới đang có nhiều dự án như vậy được thực hiện, mặc dù quy mô không lớn bằng các dự án điện gió, điện mặt trời... nhưng vẫn có lợi ích kinh tế.

Ngành Dầu khí Việt Nam mà chủ lực là Petrovietnam đã có những bước phát triển thần kỳ kể từ sau năm 1975. Chúng ta tự hào với những gì đã làm được trong suốt hàng chục năm qua, nhưng càng tự hào thì càng phải vươn lên. Hào quang của quá khứ là điểm tựa tinh thần cho chúng ta vươn lên, với những gì mà thế hệ người dầu khí hôm nay đã làm được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Petrovietnam hôm nay hoặc tập đoàn năng lượng trong tương lai sẽ xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế quốc gia.

Cơ chế còn nhiều bó buộc, nhưng Đảng, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ cho Petrovietnam và Luật Dầu khí sửa đổi đã được ban hành vào năm 2023… Mới đây là kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 41 với những bổ sung mới theo hướng tạo điều kiện tối đa cho Petrovietnam phát triển.
Đây là những điều kiện rất quan trọng để Petrovietnam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Petrovietnam với dàn lãnh đạo mới trẻ trung, năng động và đặc biệt là thấu hiểu về người dầu khí, nghề dầu khí, sẽ tạo được sức bật mới, vươn lên những đỉnh cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam phải chuẩn bị gì cho tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO