SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất

Tuyết Trang 13/11/2023 - 14:53

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi. Người dân và doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng sau lần sửa đổi này, hệ thống pháp luật về đất đai sẽ giải quyết được triệt để các tồn tại, hạn chế… Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua lần này có những điểm mới gì?

ong-pham-van-hoanh-pgd-so-tn-mt-thanh-hoa(1).jpg
Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Hoành: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó sửa đổi toàn diện Luật Đất đai trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đất đai đã được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, kết quả tổng kết thực tiễn trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp. Dự thảo Luật đã có nhiều chính sách đổi mới, cụ thể bao gồm:

Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.

Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, trong đó phân định rõ trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu, quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện thực hiện đấu giá, đấu thầu.

Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, dự thảo cũng có những chỉnh lý trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đó thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

1-klhdns.jpg
Khu Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Bỏ khung giá đất, quy định cụ thể nguồn thông tin đầu vào và các phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng đảm bảo theo nguyên tắc thị trường. Làm rõ các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể và thẩm quyền phê duyệt giá đất cụ thể. Quy định chi tiết thành phần Hội đồng thẩm định giá đất, quy chế làm việc bảo đảm tính độc lập, khách quan.

Rà soát các chính sách về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đảm bảo công khai, minh bạch giúp người sử dụng đất hạch toán được chi phí rõ ràng từ đầu để chủ động trong sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng... tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội.

Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Quy định chặt chẽ cơ chế tập trung, tích tụ đất đai nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp khoa học, hiện đại, tiên tiến.

Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác, đất có mặt nước sử dụng đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không... để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào thông qua các chính sách về đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất sản xuất. Quy định chặt chẽ quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số khi được hưởng chính sách hỗ trợ về đất đai để duy trì và bảo vệ quyền sử dụng đất đã được giao. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp trong thực thi chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Phân cấp hoàn toàn, triệt để thẩm quyền cho các địa phương trong xác định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, định giá đất trên địa bàn được giao quản lý. Mặt khác, thiết lập các cơ chế giám sát, theo dõi thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất và hoàn thiện các quy định kiểm soát quyền lực thông qua hậu kiểm của các cơ quan Trung ương bằng công cụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đất đai.

Phóng viên: Ông đánh giá gì về vai trò của bộ Tài nguyên và Môi trường về việc soạn thảo, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi)?

Ông Phạm Văn Hoành: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất quan tâm đến quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, lấy tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 làm tiền đề vững chắc, từ đó, xây dựng dự thảo Luật lần này trên cơ sở tổng kết thi hành đầy đủ việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, hoàn thiện các chính sách quy định trong Luật hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện do chính sách và do tổ chức thực hiện, giải quyết được những tồn tại hiện hữu của Luật Đất đai năm 2013. Quy định đầy đủ các quy định chuyển tiếp để xử lý dứt điểm các vướng mắc do lịch sử để lại.

2.-thanhphothanhhoa.jpg
Một góc thành phố Thanh Hóa đước quy hoạch

Dự thảo Luật đã được sửa đổi toàn diện, trong đó quan tâm hoàn thiện những quy trình, điều kiện của các nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến người dân, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, sự đồng thuận của người dân trong nhiều nhiệm vụ như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài việc quan tâm đến tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện; liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp bất cập từ thực tiễn để quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của người sử dụng đất; đặc biệt trách nhiệm của người sử dụng đất khi hết thời hạn được giao đất, cho thuê đất, trách nhiệm này, lâu nay chưa được quy định rõ ràng và thiên về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước do đó, dễ bỏ sót các trường hợp hết thời hạn thuê đất mà vẫn tiếp tục sử dụng không có chế tài khi người sử dụng đất không báo cáo, kê khai nộp thuế.

Ngành tài nguyên và môi trường đã rất nỗ lực để xử lý các tồn tại thực tiễn, đã đưa được các bất cập từ cuộc sống vào pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng chính sách chỉ là một phần cốt lõi, việc tổ chức thi hành pháp luật gắn với tuyên truyền phổ biến cần được quan tâm chú trọng để đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần giám sát, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật, chỉ như vậy thì các vướng mắc bất cập, các khiếu nại, khiếu kiện về đất đai mới có thể giảm đi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO