Có thể thấy, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua. Các loại hình thời tiết cực đoan: rét đậm, rét hại, lũ lụt, mưa đá, lốc xoáy… xuất hiện thường xuyên, liên tục với cường độ dày hơn, mức độ thiệt hại cao hơn và gây ra những tổn thất nặng nề cho sản xuất của người nông dân.
Ông Bùi Minh Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, BĐKH đã và đang tác động mạnh đến ngành nông nghiệp. Ngay tại tỉnh Điện Biên, thực tế cho thấy những năm gần đây, mưa lũ, hạn hán, rét đậm rét hại diễn biến bất thường không theo quy luật. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, diễn biến thời tiết phức tạp đã gây thiệt hại về nông nghiệp: 884,4ha bị thiệt hại, trong đó: Về lúa: 804,4ha lúa bị thiệt hại (643,03ha lúa thuần; 136,26ha mạ; 25,1ha lúa nương); Về ngô, sắn, hoa màu: 74,85ha bị thiệt hại (25,95ha thiệt hại hoàn toàn trên 70%; 10,76ha thiệt hại rất nặng từ 50-70%; 5,93ha thiệt hại từ 30-50%; 32,2ha bị thiệt hại một phần dưới 30%); 5,19ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Về chăn nuôi: 826 con gia súc, gia cầm bị chết (735 con trâu, bò, ngựa; 3 con dê; 13 con lợn; 75 con gia cầm). Về thủy sản: 23,9 ha bị thiệt hại (21,04 ha thiệt hại hoàn toàn trên 70%; 2,87ha thiệt hại rất nặng từ 30- 50%).
Những tác động của BĐKH ngày càng rõ nét đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cần chuyển hướng từ sản xuất theo cách truyền thống sang hướng thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường. Nhận thức được những ảnh hưởng của BĐKH đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH bảo đảm phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra những giải pháp kịp thời nhằm ứng phó với BĐKH. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, ưu tiên sử dụng những giống bản địa cho năng suất cao; sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả…
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, những giống thích ứng với BĐKH theo hướng sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gắn với chuỗi liên kết bền vững; phổ biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng trồng tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, nhằm giảm thiểu tổn thất do ảnh hưởng của BĐKH.