Triển khai toàn diện
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình, Luật Đất đai năm 2013 là một trong những bộ luật lớn có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có Ninh Bình. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Ninh Bình đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Công tác ban hành các văn bản trong lĩnh vực đất đai được quan tâm chú trọng. Ngay từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Tỉnh ủy đã cho chủ trương để HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh.
Một góc thành phố Ninh Bình |
Ông Trịnh Xuân Ba, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 6 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013 công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được kiện toàn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Việc phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định, công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nề nếp và ổn định. Quyền sử dụng đất đã trở thành một nguồn lực để huy động các nguồn vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình.
Mặc dù vậy, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn Ninh Bình cho thấy một số quy định của Luật này còn bất cập, hạn chế. Nổi cộm là việc áp dụng pháp luật ở một số vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung hoặc những vấn đề chưa được hướng dẫn minh bạch, rõ ràng dẫn đến sự nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, còn tâm lý lo ngại về cơ sở pháp lý khi áp dụng.
Trong khi đó, quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Công tác chỉnh lý biến động chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời dẫn đến khó khăn khi rà soát, kê khai, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặt khác, vẫn còn bất cập trong việc xác định giá đất, các phương pháp xác định giá đất không có quy định chi tiết, cụ thể các thông số, chỉ tiêu khi áp dụng dẫn đến có thể mỗi phương pháp cho ra những kết quả khác nhau. Quy định về xác định giá đất còn chồng chéo, chưa thực sự rõ ràng về thẩm quyền định giá đất giữa cơ quan Tài chính và Tài nguyên và Môi trường dẫn đến việc vận dụng tại địa phương đôi khi còn lúng túng, chưa thống nhất, gây khó khăn khi triển khai thực tế tại địa phương…
Sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai
Từ thực tế đó, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và cán văn bản quy định chi tiết về thi hành.
Trước hết, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tài chính đất đai đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất để bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu và tổ chức thực hiện. Bổ sung các quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu dự án. Bổ sung Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai quy định UBND tỉnh có thể uỷ quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để rút ngắn thời gian trong việc xác định giá đất cụ thể, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Với thực tế từ Ninh Bình, cần nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai theo hướng quy định cụ thể các trường hợp được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần, còn lại là các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo sự ổn định hàng năm về nguồn thu ngân sách về đất đai.
Liên quan đến thời hạn sử dụng đất, cần quy định cụ thể cách xác định thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất (theo quy định tại Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 39 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) trong trường hợp bên chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận với thời hạn sử dụng đất lâu dài. Xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ % kinh phí theo Khoản 2, Điều 31, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đảm bảo cho việc tổ chức, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bổ sung các quy định cụ thể về trường hợp Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án…
Thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác thi hành Luật Đất đai, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế từng đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hóa với độ chính xác cao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 827 dự án với tổng diện tích hơn 1.878 ha; có 95/143 xã, phường thị trấn và 2 khu vực bãi bồi ven biển đã được đo đạc Bản đồ địa chính chính quy dạng số, với diện tích trên 80.258ha/138.678ha; đã thực hiện lập hồ sơ, cấp 432.435 Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất với tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận là trên 98.000 ha.