Những kiến nghị, đề xuất cấp bách của PVN cho các dự án điện

08/07/2019 17:20

(TN&MT)-  Các dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đã và đang gặp nhiều khó khăn do khách quan cũng như vướng mắc do cơ chế dẫn đến chậm tiến độ. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện, PVN đã có những kiến nghị, đề xuất cấp bách với Chính phủ, Bộ, ngành.

Chậm tiến độ yếu tố khách quan

Tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án Nguyễn Viết Hiến cho biết, tính đến nay, khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt khoảng 77,56% so với kế hoạch (100%). Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ phía Nhà thầu Power Machines/Nga và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với Nhà thầu Power Machines từ ngày 26/1/2018.

Từ thời điểm Nhà thầu Power Machines (PM) bị cấm vận bởi Chính phủ Mỹ (26/01/2018), công tác mua sắm hàng hóa, thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt được tiến triển cụ thể, dẫn đến khối lượng công việc hoàn thành của Liên danh Tổng thầu PM - PTSC chỉ tăng thêm khoảng 7%, chủ yếu là tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến xây dựng, lắp đặt cho các phần việc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận. Đến nay, Dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do Nhà thầu Power Machines hiện không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận và đề xuất PVN xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá, và nhiều điều kiện khác không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC.

,
Đến nay, khối lượng hoàn thành công việc ước tính của NĐ Long Phú 1  đạt khoảng 77,56% so với kế hoạch

Việc PM dừng, không tham gia vào công tác triển khai Dự án trong khoảng thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc khác mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Dự án, trong đó quan trọng nhất là việc tiếp tục cung cấp vật tư/thiết bị và giám sát, nghiệm thu lắp đặt các Lò hơi, các Máy biến áp (do TKZ, PMTT là các đơn vị thành viên của PM cung cấp) và Hệ thống lọc bụi tĩnh điện, Ống khói của Nhà máy, dẫn đến PTSC/Nhà thầu phụ LILAMA không thể tiến hành bảo quản, bảo dưỡng vật tư/thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng hóc/ăn mòn và có thể phải thay thế mới.

Vướng mắc do cơ chế

Ông Nguyễn Huy Vượng – Trưởng Ban Điện của PVN cho biết, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tiến độ tổng thể đạt 84,14%, trong đó: thiết kế đạt 99,57%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 81,98%, chạy thử đạt 3,51%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên Dự án vẫn còn một số nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến dự án có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ, trong đó có việc thiếu hụt nguồn vốn vay do không được Bộ Tài chính cho giải ngân hơn 327/937 triệu USD vốn vay nước ngoài đã được Chính phủ bảo lãnh và các Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước chưa cho vay, do đó trước mắt cần phải sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân mới đáp ứng mục tiêu phát điện.

Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, có tổng mức đầu tư dự án sau thuế là 43.043 tỷ VNĐ. Đây là 1 trong 3 dự án có tiến độ khả quan nhất trong 3 dự án kể trên của PVN nhưng so với tiến độ ban đầu cũng đang có bị chậm.

.
Công tác chuẩn bị cho vận hành chạy thử Tổ máy số 1 

Ông Hồ Xuân Hiền – Trưởng Ban quản lý Dự án cho hay, đến nay, tiến độ tổng thể của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đạt khoảng 73%, trong đó công tác thiết kế đạt 98%, công tác mua sắm đạt 94,5%, công tác thi công đạt 69,4%. Tuy nhiên trong những khó khăn mà dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang gặp phải có vấn đề liên quan đến cơ chế (2414) được Chính phủ cho phép thực hiện theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá cho phần xây dựng, lắp đặt, gia công chế tạo. Bên cạnh đó là tiến độ thi công đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đang chậm so với kế hoạch đề ra, nếu không kịp thời đẩy nhanh công việc để đồng bộ với quá trình chạy thử, nghiệm thu của Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ Nhà máy.

Những kiến nghị, đề xuất cấp bách

Ông Nguyễn Huy Vượng -Trưởng Ban điện của PVN cho biết, hai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được PVN và các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoàn thành, phát điện. Cụ thể, với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, theo tiến độ dự kiến hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 vào tháng 10/2020.Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được tăng tốc xây dựng và hoàn thành chạy thử toàn bộ Tổ máy số 1 vào cuối năm nay, chính thức vận hành vào năm 2021 đúng tiến độ.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Doãn Toàn – Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cho hay, vấn đề  nan giải là cơ sở pháp luật chưa có để giải quyết vấn đề của Long Phú 1.Hiện nay yêu cầu cấp bách là hoàn thành các hạng mục đến điểm dừng kỹ thuật như lò hơi, cửa nhận nước, lọc bụi tĩnh điện.

“Kiểu gì cũng phải làm” vì thiết bị đã về gần hết với tổng giá trị gần 300 triệu USD. Chỉ cần bỏ thêm ít tiền để Dự án có thể triển khai, để có thể bảo vệ tài sản. Nếu không tháo gỡ sớm thì thiết bị hỏng hết và đây mới là “tội cực lớn”, ông Toàn khẳng định.

Điều đáng nói, với Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 sử dụng  công nghệ siêu tới hạn, có thiết bị SCER khử lưu huỳnh nên đảm bảo chống ô nhiễm môi trường. Dự án có hệ thống xử lý tro xỉ (thải xỉ ướt, nén) nên không gây ô nhiễm môi trường đây là một trong những điểm vượt trội của Dự án khi đưa vào vận hành.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cho các dự án, mới đây, PVN kiến nghị, đề xuất cấp bách lên Chính phủ, Bộ Công Thương. Đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2: Chấp thuận chủ trương cho PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho Dự án với điều kiện không vượt TMĐT điều chỉnh khi nguồn vốn vay bổ sung chưa thu xếp được. PVN sẽ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành và phát điện. Khi thu xếp được nguồn vốn vay bổ sung sẽ hoàn trả lại phần vốn chủ sở hữu sử dụng vượt tỷ lệ. PVN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBQL vốn tại doanh nghiệp sớm thống nhất các bộ định mức và nguyên tắc áp dụng đối với các định mức đang có sự khác nhau giữa xây dựng và nhà máy điện (định mức 2572) đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Riêng Dự án NMNĐ Long Phú 1, ngoài việc PVN  kiến nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án đã được PVN trình tại công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018. Đối với Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tập trung đẩy nhanh việc thi công đường dây 500KV Sông Hậu - Đức Hòa để đồng bộ với tiến độ hoàn thành Sân phân phối 500KV và chương trình chạy thử của dựán NMNĐ Sông Hậu 1 vào tháng 6/2019.

Cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do hàng loạt dự án điện lớn trên toàn quốc chậm tiến độ trong khi nhu cầu điện vẫn tăng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 đến 2025, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022, thiết nghĩ việc cấp bách tháo gỡ khó khăn không thể một mình PVN mà cần sự vào cuộc cụ thể, thiết thực của Bộ, Ngành và hơn hết đó là  sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kiến nghị, đề xuất cấp bách của PVN cho các dự án điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO