Nhiều mô hình Đô thị giảm nhựa đạt hiệu quả cao
Sau thời gian thí điểm đánh giá các mô hình thí điểm đô thị giảm nhựa, WWF-Việt Nam đã ghi nhận 6 mô hình hiệu quả cao, khuyến khích thực hiện.
Để thực hiện mục tiêu cắt giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025 và không còn rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, trong khuôn khổ chương trình Đô thị giảm nhựa (Plastic Smart Cities – PSC), WWF-Việt Nam đã phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, UBND các cấp và các đối tác tại 10 địa phương đã ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa triển khai các can thiệp/các mô hình thí điểm theo tiếp cận 5T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng, truyền thông, tăng cường quản lý).
Các can thiệp/các mô hình này hướng tới tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa (RTN) nói riêng, cải thiện hệ thống thu gom - xử lý, tăng cường thu hồi rác tái chế, xoá các điểm nóng ô nhiễm rác và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cộng đồng nhằm hướng tới các thay đổi về hành vi liên quan tới tiêu thụ và xả thải rác nhựa. Sau thời gian triển khai, các can thiệp/mô hình thí điểm đã và đang đạt được các kết quả khả quan bước đầu.
Tuy nhiên, để có cơ sở khuyến nghị việc triển khai và áp dụng rộng rãi các can thiệp/mô hình thí điểm này ở cấp cao hơn, rộng hơn và lâu dài hơn bởi các địa bàn Đô thị giảm nhựa và các địa bàn khác trong cả nước, nghiên cứu đã thực hiện đánh giá hiệu quả của các mô hình thí điểm dựa trên các khía cạnh về lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Trong đó, các lợi ích xã hội bao gồm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, các lợi ích kinh tế liên quan đến chi phí và lợi nhuận từ việc triển khai các mô hình, và các lợi ích môi trường tập trung vào việc giảm thiểu rác thải nhựa và tác động tích cực đến hệ sinh thái.
Thông qua đánh giá, WWF-Việt Nam đã ghi nhận 6 mô hình thí điểm có hiệu quả cao, khuyến khích thực hiện:
Đầu tiên là mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ tại TP Đồng Hới, đạt 83% điểm mục tiêu. Mô hình này có những điểm mạnh, bao gồm: Bảo vệ môi trường biển: Giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra biển, bảo vệ hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế bền vững; Nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường hiểu biết và ý thức của ngư dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; Giải quyết vấn đề môi trường được quan tâm tại địa phương do vậy nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng địa phương; Và Khả năng tạo động lực trách nhiệm xã hội, trong đó khuyến khích ngư dân tham gia thông qua hoạt động xây dựng quỹ tình thương từ bán rác tái chế.
Theo đề xuất, mô hình cần mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn bộ địa bàn thành phố cho tất cả đối tượng tàu thuyền. Kết hợp với triển khai mô hình phân loại rác tại hộ gia đình để tạo thói quen phân loại cho người dân khi ở nhà cũng như khi ra biển; bổ sung thùng đựng rác tại các điểm cập bờ để tiếp nhận rác thải từ tàu/thuyền; Cân nhắc áp dụng các chương trình khuyến khích, động viên ngư dân mang rác về bờ bằng (khen thưởng hoặc đổi rác tái chế lấy quà). Đối với rác còn lại khuyến khích ngư dân mang về bờ ở thời gian đầu, và tiến tới thu phí xử lý ở các giai đoạn tiếp theo, đồng thời vận động các địa phương áp dụng đồng bộ việc thu phí xử lý rác từ tàu thuyền; tổ chức/thúc đẩy thu gom rác ni-lông trên địa bàn và tìm đầu ra cho dòng thải này.
Thứ hai, mô hình Chợ phân loại rác và ủ phân từ rác hữu cơ, triển khai tại Tuy Hòa (Phú Yên) và Hà Tĩnh. Mô hình được đánh giá đạt 78-88% điểm mục tiêu đề ra.
Một số điểm mạnh của mô hình bao gồm: Hình thành quy trình phân loại - thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải hữu cơ ở quy mô tập trung; Thu hồi tài nguyên từ rác thải, tạo ra sản phẩm hữu ích; Giảm lượng rác thải hữu cơ thải ra môi trường; Góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với rác thải.
Theo đề xuất, mô hình cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của tiểu thương trong việc phân loại rác tại nguồn; Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho tiểu thương tích cực tham gia và thực hiện tốt vai trò của mình khi tham gia mô hình; Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình triển khai mô hình; Thiết lập cơ chế (nguồn lực, giá) cho hoạt động thu gom, vận chuyển và hạ tầng hoạt động xử lý bằng bể ủ phân hữu cơ đảm bảo sự đồng bộ của quy trình; Giám sát quy trình và các yếu tố kỹ thuật trong quá trình vận hành bể ủ phân; Xem xét/hỗ trợ đầu ra của sản phẩm phân hữu cơ.
Thứ ba, mô hình Phân loại rác, xử lý rác hữu cơ và ứng dụng IMO, triển khai tại TP Rạch Giá. Mô hình đạt 75% điểm mục tiêu.
Một số điểm mạnh của mô hình bao gồm: Phù hợp với định hướng, kế hoạch quản lý CTRSH của địa phương; Hình thành mô hình quản lý và xử lý rác thải hữu cơ phân tán quy mô hộ gia đình; Thu hồi tài nguyên từ rác thải, tạo ra sản phẩm hữu ích; Giảm lượng rác thải hữu cơ và hóa chất tẩy rửa thải ra môi trường; Góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với rác thải; Giải pháp kỹ thuật đơn giản.
Trong tương lai, mô hình ủ phân hữu cơ đề xuất thực hiện tại các hộ gia đình có không gian và có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ; Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong việc PLR và xử lý rác hữu cơ tại nguồn; Xem xét đầu ra của sản phẩm phân hữu cơ; Xem xét khuyến khích chính sách chia sẻ cộng đồng đối với sản phẩm phân hữu cơ.
Thứ tư, mô hình Tái sử dụng bạt cũ, triển khai tại TP Rạch Giá, đạt 70% điểm mục tiêu. Về điểm mạnh, Mô hình mang ý nghĩa nhân văn và giá trị xã hội cao, do vậy nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các đơn vị, cá nhân, các tổ chức từ thiện; Tạo ra giá trị kinh tế do không mất chi phí thu gom, mua nguyên vật liệu và tạo ra sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường; Thu hồi tài nguyên từ rác thải, tạo ra sản phẩm hữu ích.
Tuy nhiên qua đánh giá, WWF-Việt Nam cho rằng mô hình chỉ nên duy trì ở quy mô nhỏ và Chỉ phù hợp áp dụng với đối tượng tương tự. Nếu mở rộng, cần đầu tư thêm năng lực cho đơn vị sản xuất sản phẩm, cơ giới hoá, đẩy mạnh truyền thông, nghiên cứu đa dạng hoá mẫu mã, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên cần cân nhắc chi phí và giá thành. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông cho mô hình.
Mô hình tiếp theo được đánh giá cao là mô hình Bình hoa an sinh/Ngôi nhà xanh, triển khai tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng), với 70% điểm mục tiêu. Mô hình thành công trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại và tái chế rác thải nhựa trong cộng đồng. Đồng thời, huy động được sự tham gia của các bên, bao gồm cộng đồng, đặc biệt là Hội phụ nữ. Mô hình cũng cho thấy Hiệu quả trong việc giảm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường, đặc biệt là đối với rác nhựa có giá trị cao, tăng cường tỷ lệ thu hồi và tái chế loại rác này.
Để hoạt động hiệu quả hơn, nguồn ngân sách thu được từ mô hình nên được phân bổ một phần vào cả các hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác thu gom, vận hành mô hình. Ngoài ra, mô hình sẽ dễ thực hiện và thành công hơn khi được triển khai tại các khu vực người dân có trình độ và mức sống cao hơn so với các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và đời sống còn khó khăn.
Mô hình cuối cùng có kết quả khả quan là Xóa điểm nóng và can thiệp tránh tái nhiễm, triển khai tại vịnh Vũng Rô (Phú Yên), với 93,8% điểm mục tiêu. Mô hình giúp loại bỏ các điểm nóng ô nhiễm, từ đó cải thiện chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; Nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng về quản lý môi trường và phòng ngừa tái nhiễm. Mô hình cũng có tiềm năng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ (WWF-Việt Nam) trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp. Sản phẩm từ vùng nuôi trồng sạch hơn có thể đạt tiêu chuẩn cao hơn, dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước với giá trị cao hơn; Giảm rác thải nhựa phát sinh và có tính bền vững và khả năng tài chính.