Thanh Hóa: Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025
(TN&MT) - Chiều 3/2 (mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ) tại khu vực hai bên tuyến đường Phú Anh đi cầu Vạn thuộc xã Đông Khê (TP Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025.
Dự lễ phát động có ông Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; cán bộ, công chức và Nhân dân TP Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo không khí thi đua để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh tích cực, chủ động, hưởng ứng tham gia. Tỉnh Thanh Hóa xác định cụ thể vai trò, ý nghĩa, giá trị sinh thái, nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên; hoàn thành thắng lợi kế hoạch trồng cây, trồng rừng. Bình quân hàng năm, Thanh Hóa trồng mới trên 10 ngàn ha rừng. Việc trồng cây, gây rừng đã cơ bản đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản; tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho hàng ngàn hộ gia đình.
Mục tiêu đặt ra trong “Tết trồng cây” Xuân Ất Tỵ là toàn tỉnh Thanh Hóa trồng trên 3 triệu cây xanh, cao hơn 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 31/12/2020. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã phát triển được 647 nghìn ha rừng, độ che phủ của rừng năm 2024 đạt 53,75% (cao hơn bình quân chung của cả nước 11,73%). Diện tích trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước.
Chương trình cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục mục đích, ý nghĩa của trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tác dụng của rừng, trồng cây phân tán, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; gắn với chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2025 và giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Ất Tỵ gồm các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây hoa ban, cây bằng lăng được trồng tại công sở, trường học, nhà văn hóa, các trục đường giao thông, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đất trống đã được quy hoạch trồng cây... Mục tiêu mỗi cán bộ trồng ít nhất 1 cây và mỗi hộ trồng ít nhất một cây và “Trồng cây nào sống cây đó”, không tổ chức hình thức gây tốn kém, lãng phí. Tại đây BTC sẽ trồng 179 cây Giáng hương, Hoa ban, Sao đen và các loài cây khác có đường kính gốc trên 10cm, chiều cao trên 3,5m.
Theo kế hoạch, 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều được phân bổ chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, thị xã Nghi Sơn được giao chỉ tiêu cao nhất với 270.000 cây, tiếp đến là TP Thanh Hóa với 240.000 cây. Các địa phương sẽ tổ chức trồng cây tại những nơi đất trống ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, dọc hành lang đường giao thông, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, trên các bờ vùng, bờ thửa, vùng gò đồi, một phần diện tích trồng rừng tập trung (không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ), vùng phòng hộ ngoài đê biển, gắn với việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Chủng loại cây trồng được lựa chọn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, ưu tiên nhóm các loài cây đa mục đích, cây cho gỗ lớn, cây cảnh quan, bóng mát và cây gỗ quý hiếm như Hoa ban, Bàng đài loan, Bằng lăng tím, Giáng hương, Sao đen, Lim xanh, Sưa...
Đặc biệt, hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh yêu cầu việc tổ chức phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia