Nhiều khu vực vẫn diễn ra tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn

Mai Đan| 28/02/2020 12:05

(TN&MT) - Sáng 28/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ về lĩnh vực tài nguyên nước để nghe báo cáo về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV cho biết: Nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), riêng hạ lưu sông Lô và sông Thao thiếu hụt từ 60-90%, đặc biệt thiếu hụt tại một số nơi như: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang; trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10-60%, một số sông thiếu hụt trên 75% như trên sông Cả (Nghệ An) tại Yên Thượng, sông Ba (Phú Yên) tại Củng Sơn, trên sông Dinh (Ninh Thuận) tại Tân Mỹ; thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2016 từ 5-20%.

Tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015-2016. Trong tháng 1 và tháng 2/2020, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao trong các đợt triều cường (đợt 1 từ ngày 9-12/1/2020, đợt 2 từ ngày 22-28/1/2020, đợt 3 từ ngày 8-15/2/2020). Độ mặn tại hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ ở tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2015-2016, tại sông Cái Lớn ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2015-2016.

Về tình hình thiệt hại, ông Mai Văn Khiêm cho biết: Hiện nay ở hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đều đảm bảo nước gieo trồng theo kế hoạch, không có thiếu nước do hạn hán và chưa bị thiệt hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống.

Nhận định về tình hình khí tượng, Tổng cục KTTV dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, hai hiện tượng El Nino và La Nina (ENSO) tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV báo cáo tại cuộc họp

Tổng cục KTTV dự báo, về tình hình thủy văn, tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 3-8/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN từ 20-50%, đặc biệt trên lưu vực sông Đà, sông Thao, hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 3-5/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 25-75%, một số sông thiếu hụt trên 90%.

Báo cáo hiện trạng nguồn nước và việc vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông, ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Tính đến cuối tháng 2/2020, có 4/11 lưu vực về tổng thể còn thiếu nhiều nước gồm: Mã, Hương, Vu Gia – Thu Bồn và sông Ba. Tuy nhiên, do từ đầu mùa cạn và từ đầu tháng 2 đến nay, các hồ chứa cũng đã hạn chế việc xả nước. Vì vậy, mặc dù thiếu hụt nhưng về tổng thể chưa nghiêm trọng.

Trên tổng số 34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu thì có 11 hồ chứa có mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Hủa Na, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Ka Nak, Sông Hinh, Sê San 4 và Đại Ninh. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu tối thiểu thì về tổng thể lượng nước thiếu hụt là không lớn những tháng đầu mùa cạn, chỉ có 4 hồ mực nước còn khá thấp là: Cửa Đạt, Bình Điền, A Vương và Ka Nak.

Ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Châu Trần Vĩnh, hiện nay, lưu vực có mức độ căng thẳng và có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn là sông Mã và Vu Gia, đặc biệt là Vu Gia mặc dù mực nước các hồ xấp xỉ mực nước yêu cầu tối thiểu. Lưu lượng về các hồ từ đầu tháng 2 đến nay là rất thấp như: A Vương (từ 8-10m3/s), sông Bung 4 (15-25m3/s), ĐăkMi 4 (từ 10-23m3/s). Tổng lượng nước điều tiết còn lại của nhánh sông Vu Gia còn khoảng 470 triệu m3…

Báo cáo về dòng chảy tháng 2 và dự báo tháng 3 mùa khô 2019-2020, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Lượng mưa tháng sụt giảm 2 so với trung bình nhiều năm. Về dòng chảy tháng 2/2020 tại Chiềng Sẻn, mực nước cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm và tương đương với cùng kỳ năm 2016.

Ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (hàng đầu tiên, thứ hai từ trái qua) báo cáo tại cuộc họp

Tình hình sụt giảm trên cũng xảy ra tương tự đối với dòng chảy tại Kra-chê và Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 3/2020.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cập nhật số liệu thường xuyên hơn, tiếp tục thông báo với những thông tin sát với tình hình thực tế hơn cho khu vực ĐBSCL.

Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục cung cấp thông tin thực tiễn, lưu ý cấp độ rủi ro thiên tai phải cộng với tình hình địa bàn đó.

Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước thông qua các Sở TN&MT nắm bắt khu vực nóng và gay cấn về tình hình nước sinh hoạt của cả vùng ĐBSCL, từ đó phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thảo luận những kết quả nào có thể sử dụng được ngay để đề xuất xem xét cách làm.

Quang cảnh cuộc họp

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì các đơn vị phối hợp bản tin cảnh báo tài nguyên nước tại Trung Bộ và Tây Nguyên, để có thông tin khuyến cáo cho các tỉnh.

“Các nhà khoa học đã đánh giá hạn mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy, Viện Khoa học KTTV&BĐKH lập báo cáo sự thay đổi tần suất xảy ra hạn mặn tại ĐBSCL từ nay đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT sẽ đưa ra khuyến cáo với Chính phủ về việc trữ nước tại khu vực này” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Từ tình hình hạn mặn năm 2016, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu vạch ra chỉ tiêu quy hoạch, giúp ích cho việc điều hòa không đều theo thời gian và không gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khu vực vẫn diễn ra tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO