Nhiều giải pháp đẩy lùi cát tặc trên sông Bồ

10/06/2015 00:00

(TN&MT) - Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngày một phức tạp hơn, ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở bờ sông, suy giảm tài nguyên, môi trường chịu...

 

(TN&MT) - Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngày một phức tạp hơn, ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở bờ sông, suy giảm tài nguyên, môi trường chịu tác động và ảnh hưởng đến đời sống người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy hoạch vùng khai thác giao cho HTX quản lý, mô hình đã dem lại hiệu quả cao, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.

Hiệu quả từ mô hình khai thác cộng đồng

Quy hoạch vùng khai thác không những ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên sông Bồ mà còn đem lại cuộc sống ổn định cho người dân sống bằng nghề khai thác cát, sỏi. Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định “Quy định tạm thời quản lý khai thác cát sỏi ở lòng sông theo mô hình cộng đồng trên địa bàn tỉnh” gồm 18 khu vực. Sông Tà Rình có 4 khu vực; sông Bồ có 3 khu vực; sông Ô Lâu 4 khu vực; sông Hương có 4 khu vực... mô hình khai thác cộng đồng bước đầu mang lại hiệu quả.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, mô hình khai thác cát, sỏi trên sông Bồ được thành lập do Ban quản lý khai thác cát, sỏi phường Hương Vân chịu trách nhiệm quản lý. Vùng quy hoạch khai thác cách cầu Hiền Sĩ 150m về phía bãi bồi thôn Lại Bằng (phường Hương Vân), dài 1,4km và cách bờ 30 - 50m, chiều rộng khu vực khai thác bình quân 30m, độ sâu khai thác 1,5m, thời gian khai thác từ 5-19h với diện tích khai thác hơn 10ha. Quá trình thực hiện mô hình khai thác cát, sỏi cộng đồng bước đầu đi vào trình tự, mang lại hiệu quả cao, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.

Nhận thấy mô hình khai thác cát, sỏi cộng đồng ở phường Hương Vân đem lại nhiều hiệu quả, đầu năm 2015 UBND huyện Phong Điền đã có tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh về việc thành lập mô hình khai thác cát cộng đồng với chiều rộng khai thác 30m giữa lòng sông, chiều dài 800m (2,4ha), trữ lượng khai thác 48.000m3 thuộc khu vực bãi bồi Cổ Bi, xã Phong Sơn. Sau khi được UBND tỉnh cấp phép cho HTX SX TM&DV Sông Bồ (HTX Sông Bồ) quản lý.

Ông Phan Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Sông Bồ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) cho biết: “ Sau khi được UBND tỉnh cấp phép quản lý và khai thác cát, sỏi ở lòng sông theo mô hình cộng đồng, nhiều hộ dân trước đây từng khai thác cát trái phép đã tham gia vào HTX, tạo việc làm cho gần 120 người. Hiện tại, với 40 thuyền đã được đăng ký khai thác, được anh Thành nhân viên quản lý của HTX giám sát chặt chẽ, trong quá trình khai thác tuân thủ theo quy định, đảm bảo cho dòng chảy, an toàn bờ sông. HTX đã đóng đầy đủ các loại thuế, phí môi trường”.

Cần quản lý chặt hơn

Khảo sát thực tiễn cho thấy, bên cạnh những HTX đã được UBND tỉnh cấp phép quản lý và khai thác thì tình trạng khai thác cát “chui” vẫn diễn ra phức tạp. Nằm ở thượng nguồn sông Bồ, khu vực bãi bồi Khe Băng thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, khu vực khai thác cách thủy điện Hương Điền về phía hạ nguồn khoảng 1,0km, chiều rộng 60 - 70m, chiều dài 2km, tại ngã ba sông Bồ, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa chấm dứt.

Ông Nguyễn Xuân- Chủ tịch UBND P. Hương Vân cho biết: “Trước khi mô hình khai thác cát cộng đồng chưa được triển khai, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn phường Hương Vân diễn ra rất phức tạp. Từ khi triển khai mô hình, nhiều hộ dân trước đây làm nghề khai thác cát có cả những hộ thác trái phép đã tham gia vào mô hình, có công việc ổn định. Quá trình quản lý chặt chẽ nên nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn không còn diễn ra, không còn sạt lở hai bờ sông. Mô hình khai thác cát cộng đồng giảm thất thu thuế, phí tài nguyên môi trường, tăng nguồn ngân sách cho nhà nước. Sau một năm thực hiện đã thu hơn 2 tỷ đồng từ nguồn thuế tài nguyên và phí môi trường”.

Ông Nguyễn Hữu Quyết - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “ Hiệu quả rõ nhất trong mô hình khai thác cộng đồng là giúp địa phương quản lý được số lượng khai thác của người dân trên cơ sở các hộ đăng ký khai thác và quản lý được số lượng không hoạt động trong doanh nghiệp, không làm thất thoát nguồn thu ngân sách, ngăn chặn khai thác trái phép và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó kinh nghiệm quản lý ở địa phương vẫn còn thiếu kinh nghiệm, chưa chặt chẽ, nếu dân ồ ạt tập trung vào vùng khai thác thì dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở, thay đổi dòng chảy”.

Ông Cái Văn Vinh - Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Hiện trên toàn tỉnh mới chỉ cấp phép cho 2 đơn vị: phường Hương Vân và HTX sông Bồ (Phong Sơn) hoạt động theo mô hình khai thác cát cộng đồng. Vừa qua, thị xã Hương Trà có xin thêm một số điểm mới nhưng tỉnh vẫn chưa đồng ý. Mục đích triển khai mô hình khai thác cát sỏi tập trung nhằm tạo điều kiện cho các thuyền nhỏ làm nghề từ trước đến nay, nhưng đồng thời phải khống chế số lượng thuyền mới phát triển, mở rộng”.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang ngày một diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức mưu mô, chủ yếu tập trung vào ban đêm và rạng sáng nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Hoạt động khai thát cát chui không những khiến nhà nước thất thu về tài nguyên mà còn tác động xấu đến môi trường, dòng chảy, sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bên cạnh công tác kiểm tra xử phạt đối với những hành vi khai thác cát trái phép, mô hình khai thác cát, sỏi cộng đồng hình thành tuy chưa ngăn chặn được nạn khai thác cát trái phép nhưng đó là hướng mới phần nào giảm tình trạng các tặc trên địa bàn tỉnh.

Bài & ảnh: Viết Toàn - Anh Dũng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp đẩy lùi cát tặc trên sông Bồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO