Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai

Khải Minh| 08/12/2020 15:39

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai ngày một bất thường, UBND TP Hà Nội đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về xác định thiệt hại, mức hỗ trợ sau thiên tai; cơ chế, chính sách, chế độ cho những người làm công tác phòng chống thiên tai (PCTT)…

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện 9 nội dung của Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) Quốc gia; cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, đáp ứng tiến độ và hiệu quả.

Ảnh minh họa

Thực hiện Kế hoạch PCTT Quốc gia, TP Hà Nội đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy định về Quỹ PCTT; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai đến với người dân và chính quyền các cấp luôn được TP, các sở, ngành và địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cùng với đó là tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã.

Theo Chi cục PCTT (Sở NN&PTNT Hà Nội), trước khi Kế hoạch PCTT Quốc gia được thông qua, TP đã chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2016 - 2020. 17 hoạt động thuộc Đề án trên đã được triển khai thực hiện tại 270 xã, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã. Việc xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình PCTT, gia cố nhà ở và cơ sở hạ tầng khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai theo kế hoạch đầu tư công, các dự án, chương trình, đề án của Trung ương và TP được quan tâm.

Mặc dù vậy, việc triển khai Kế hoạch PCTT Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, trang thiết bị tại cấp huyện, cấp xã tuy đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Lực lượng trực tiếp làm công tác PCTT là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu nên còn hạn chế trong tham mưu, báo cáo.

“Công tác triển khai Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện đồng bộ. Việc bố trí kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng các công trình PCTT còn hạn chế, chưa kịp thời; một số dự án thực hiện dang dở do thiếu vốn…”, Chi cục PCTT Hà Nội nêu rõ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai ngày một bất thường, mới đây, trong văn bản gửi Bộ NN&PTNT góp ý kiến hoàn thiện Kế hoạch PCTT Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP Hà Nội đã đề xuất các đơn vị tham mưu cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về xác định thiệt hại, mức hỗ trợ sau thiên tai; cơ chế, chính sách, chế độ cho những người làm công tác PCTT…

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong các trường học và tới những cộng đồng dễ bị tổn thương. Tiếp tục hướng dẫn và bổ sung trang thiết bị, cơ sở phục vụ PCTT tới cấp xã, phường. Triển khai đồng bộ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước…

Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu, điều chỉnh kéo dài thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Chú trọng bổ sung, đa dạng nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, Quốc gia, các quy hoạch phòng chống lũ và đê điều đã được phê duyệt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO