Biến đổi khí hậu

Thanh Hóa: Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai

Thu Thủy 29/04/2024 - 20:32

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, các địa phương cần xác định công tác phòng chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 25 trận thiên tai, bao gồm: 5 trận lốc, 7 đợt mưa lớn, 1 cơn bão và 12 đợt nắng nóng. Tai nạn, sự cố xảy ra 803 vụ, gồm: 625 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, 102 vụ cháy, 31 vụ đuối nước và 45 vụ tai nạn trên biển.

Cần xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu

Thiên tai đã làm 3 người chết (tại các huyện Bá Thước, Như Xuân và Quan Sơn), 230 nhà bị hư hỏng; 17 điểm trường bị ảnh hưởng; 953 ha lúa, 1.241 ha hoa màu, rau màu và 1.033 ha cây hàng năm bị thiệt hại; 1.705 con gia súc, gia cầm bị chết; 474 m đê cấp IV, bờ bao và 3.260 m bãi sông bị sạt lở; 12.187 m kênh, 1 trạm bơm, 11 cống bị hư hỏng; 6.215 m quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, xã bị sạt lở hư hỏng và nhiều tài sản khác. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng.

Để ứng phó với sự cố thiên tai trong năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 21 công điện và các văn bản chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành triển khai các biện pháp sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch, phương án PCTT, TKCN; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT tại các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai lớn gây thiệt hại nặng nề trong những năm trước đây...

Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra thiên tai, sự cố, với phương châm “4 tại chỗ” cùng sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và người dân, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố gây ra được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương do sự cố, thiên tai; huy động lực lượng, phương tiện để giúp Nhân dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, hướng dẫn khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại do thiên tai gây ra; tổ chức khắc phục các sự cố; đồng thời thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, theo đánh của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh cũng như qua triển khai thực hiện từ cơ sở, công tác PCTT, TKCN và PTDS vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm như: Nhận thức về phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố, thiên tai tại một số cơ sở, địa phương và người dân còn hạn chế. Việc chuẩn bị và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt hiệu quả. Một số địa phương có các công trình đê điều trọng điểm xung yếu và hồ chứa mất an toàn nhưng công tác xây dựng và triển khai phương án bảo vệ chưa được quan tâm đúng mức; một số công trình PCTT đang thi công dở dang nhưng việc lập, phê duyệt các phương án bảo đảm an toàn cho công trình thi công trong mùa mưa, lũ không đảm bảo theo quy định và chưa phù hợp với tình hình thực tế...

Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Dự báo năm 2024 tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường, vì vậy, các ngành, các địa phương cần xác định công tác PCTT là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Thanh Hóa là một trong những vùng trọng điểm của bão lũ, nắng hạn, nếu chúng ta không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả thì hậu quả xảy ra là khôn lường. Yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt quan điểm và phương châm hành động đó là chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia PCTT với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt.

Các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai cụ thể, chi tiết để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Các ngành, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra. Đồng thời chủ động các giải pháp khắc phục khẩn trương, kịp thời các sự cố thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO