Trong khi Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm những con đường mới nhằm mang lại bộ mặt phong quang cho đô thị, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo lại đang tồn tại như thách thức dư luận. Những ngôi nhà mang hình thù chẳng giống ai vẫn len lén mọc lên trên các tuyến phố thênh thang.
Nhà siêu mỏng, siêu méo - Câu chuyện này không mới. Các thành phố lớn như TP. Hà Nội. TP.HCM đã nhiều lần hạ quyết tâm xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng những "khuyết tật” vẫn tồn tại. Vì sao? Vì rất nhiều lý do. Bên cạnh những yếu tố khách quan do lịch sử để lại trong quá trình triển khai các dự án mở đường có những bất cập, yếu kém trong quản lý đô thị...
Ảnh minh họa |
Rõ ràng, để xảy ra việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên bất kỳ tuyến phố nào, trước hết, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Chủ yếu là trách nhiệm của Thanh tra xây dựng. Lực lượng này đã được tổ chức từ quận, huyện đến phường, xã, do vậy, không thể nói chuyện "không biết để xử lý kịp thời". Tuy vậy, cũng không thể "trăm dâu đổ đầu... cơ sở". Các cơ quan hữu quan của các thành phố cũng có trách nhiệm khi chưa xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về quản lý đô thị cũng như các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm sát với tình hình thực tế...
Và một thực tế là các cơ quan quản lý Nhà nước đang phải "chạy theo" vi phạm, nhưng cũng chỉ là xử lý phần "ngọn".
Để giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc, không để tình trạng người dân cố bám trụ mặt đường theo kiểu "mạnh ai nấy làm".
Nhưng quan trọng hơn, nếu không quan tâm tới những thửa đất sau thu hồi và quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố... thì vẫn tồn tại những ô đất nhỏ hẹp, méo mó để những nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên. Theo các chuyên gia, hiện đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nhưng cần có thêm văn bản hướng dẫn như về vấn đề hợp khối, cấp phép xây dựng hoặc thiết kế đô thị. Khi mở đường mới phải có thiết kế đô thị, có giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, nêu rõ những ngôi nhà nào được phép cải tạo, căn nào phải hợp khối. Hiện nay, chúng ta đã quy định tương đối rõ về diện tích nhưng hình dáng thế nào là hợp lý, thế nào là chưa hợp lý..., phải được thể hiện thông qua thiết kế đô thị của từng tuyến đường...
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, hiện đơn vị này đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sẽ có quy định về nội dung này nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, tránh tình trạng bị lấn, bị chiếm, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Dư luận đang kỳ vọng vào quyết sách của các cơ quan quản lý Nhà nước và quyết tâm của người đứng đầu chính quyền trong việc sớm giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo góp phần chữa lành những “khuyết tật đô thị”.