Việc mua bán gia cầm diễn ra công khai tại các chợ dân sinh ở quận Gò Vấp. |
Nằm giữa khu dân cư sầm uất, trên mặt tiền đường Lê Đức Thọ (phường 13 quận Gò Vấp), khu chợ tạm tồn tại lâu năm tại khu vực này. Chợ họp ngay bên đường đi của người dân từ sáng đến tối, với nhiều mặt hàng thiết yếu: rau, củ, quả, trái cây, thịt cá, thủy hải sản các lại. Ở đây còn có thỏ sống, ếch nhái và gia cầm thì nhiều vô kể.
Những chiếc lồng gà, vịt được người bán đặt ngay bên lề đường, hễ có khách hỏi mua, việc giết mổ diễn ra ngay tại chỗ, kèm theo dịch vụ nhổ lông gà. Bà Nguyễn Thị Lý, một cư dân sống tại chung cư Dreamhome Residence, gần khu chợ tạm này cho biết: “Lâu nay tôi vẫn mua gà, vịt ở đây vì thấy cô chủ hàng gia cầm giới thiệu là gà, vịt ở quê, trước khi giết mổ thấy con gà khỏe mạnh… Tuy nhiên, mấy hôm nay nghe dịch cúm gia cầm H1N1 bắt đầu xuất hiện, rồi đại dịch virus Corana đang hoành hành nên tôi không đi chợ này nữa. Bệnh tật thì khó lường mà việc giết mổ, bày bán gia cầm sống vẫn diễn ra thế này, tôi thấy lo lắm”.
Cách khu chợ tạm nói trên không xa, có một số hộ bày bán gia cầm ngay trên cầu Trường Đai, thuộc địa bàn phường Tân Thới Hiệp (quận 12), vừa gây mất an toàn giao thông, vừa có nguy cơ lan lây dịch bệnh. Chiều ngày 17/2, trong khi xe cộ qua lại đông đúc trên cầu, có mấy người đi xe máy đậu xe ngay trên lòng cầu, hỏi mua gia cầm. Bất chấp khuyến cáo sử dụng khẩu trang và găng tay để tránh nhiễm cúm, người bán và người mua cười nói, trao đổi giá cả huyên náo trong không gian đầy lông vịt rụng bay. Bà chủ sạp gia cầm vừa bán vịt, vừa trả lời chúng tôi: “Giờ làm gì đã có cúm mà sợ, trong Sài Gòn nắng chói chang, có gì mà phải lo. Ngày nào chúng tôi chả bán trên cầu Trường Đai này, bao giờ thông báo có dịch hẵng hay”!
Đáng nói, những điểm mua bán, giết mổ gia cầm như trên hiện không khó tìm ở TP.HCM. Đơn cử như trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), một đoạn đường chưa tới 1km nhưng đã hóa thành khu chợ tạm, với cả chục điểm mua bán, giết mổ gia cầm. Hay tại khu chợ xép nằm gần cư xá Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh), giữa khu vực dân cư đông đảo, điểm kinh doanh gà, vịt sống vẫn ngang nhiên diễn ra.
Gia cầm được bày bán ngang nhiên trên cầu Trường Đai (quận 12). |
Được biết, ngày 1/2 vừa qua, Trung Quốc phát hiện ổ cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Hồ Nam. Dù chưa ghi nhận ca nhiễm nào ở người nhưng nước này ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp đối phó, ngăn chặn dịch. Ngay sau đó, vào ngày 5/2 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người, không để dịch chồng dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm A (H5N1) vẫn có khả năng lây nhiễm từ người sang người, dù với khả năng thấp. Cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỷ lệ tử vong do bị cúm gia cầm là hơn 50%, cao hơn cả dịch SARS và dịch viêm đường hô hấp do virus Covid-19 gây ra.
Để chủ động kiểm soát và phòng, chống bệnh cúm gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên địa bàn Thành phố, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ tất cả các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm được phân công tại Kế hoạch số 169/KH-SNN ngày 3/2/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn Thành phố. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố kết quả triển khai thực hiện.
UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM nếu để xảy ra tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống không đúng quy định.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc bày bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra hàng ngày tại các khu chợ dân sinh.