Nguồn cung bất động sản năm 2019 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua

05/09/2019 21:51

(TN&MT) - Trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh, nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản (BĐS) sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các vướng mắc về mặt hành lang pháp lý.

bds2
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS sẽ còn khó khăn cho đến cuối năm 2019

Nguồn cung giảm mạnh

Theo báo cáo từ JLL Việt Nam cho thấy, thị trường nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội quý II/2019, nguồn cung sụt giảm mạnh, giá nhà tiếp đà leo thang. Sự khan hiếm thúc đẩy giá nhà tăng, nâng mặt bằng giá trung bình thị trường lên mức mới cao hơn trước đây.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho thấy năm 2019 có tổng nguồn cung BĐS giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng toàn thị trường BĐS đang đứng trước nhiều thách thức lớn. 

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn khó khăn khi mà nguồn cung mở bán liên tục sụt giảm. Tuy vậy, việc khan hiếm nguồn cung có thể chỉ nhất thời không phải hiện tượng kéo dài của thị trường này.

Theo ông Trần Đức Vinh - Tổng Giám đốc Trần Anh Group, sự sụt giảm nguồn cung của thị trường BĐS đã tác động đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến nền kinh tế và tác động đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp BĐS hạn chế về tiềm lực tài chính. 

Theo ghi nhận, việc thủ tục chậm hơn trước được xem là nguyên nhân chính khiến việc ra hàng của các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã có sẵn quỹ đất nhưng chờ pháp lý hoàn thiện mới có thể ra hàng.

Theo các doanh nghiệp BĐS, đây là một năm thật sự khó khăn của doanh nghiệp nói riêng, thị trường nói chung BĐS nói chung. Cả thị trường đang chờ những chính sách, cơ chế tháo gỡ những nút thắt để triển khai dự án.

Cần cơ chế tháo gỡ

Ông Trần Đức Vinh cho rằng, sự sụt giảm nguồn cung BĐS thường do tác động của nhiều yếu tố như khan hiếm quỹ đất, doanh nghiệp chờ thời mới bung hàng. Tuy nhiên, năm 2019 là do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt hành lang pháp lý xây dựng, cấp phép dự án mới.

Theo ông Vinh, để khắc phục thì cần đến sự hợp tác tối đa từ doanh nghiệp đối với chính sách của Nhà nước. Để thị trường được khai thông, vấn đề cốt lõi nhất là sự đồng nhất về khung pháp lý BĐS, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục xây dựng dự án.

“Tuy nhiên, để cơ chế pháp lý đi vào ổn định thì các doanh nghiệp BĐS cũng cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc phát triển những dự án mới để có được sự tương tác hài hòa giữa doanh nghiệp và Nhà nước cũng như tạo niềm tin cho khách hàng”, ông Vinh phân tích.

Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cũng tin rằng nếu như các doanh nghiệp BĐS chấn chỉnh lại các hoạt động của mình và hạn chế tối đa sai phạm thì chính quyền sẽ có cơ chế phù hợp hơn để sớm khai thông thị trường. 

Cùng với đó, các chủ đầu tư cần linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng cách có chiến lược dài hạn từ chuẩn bị quỹ đất, chú trọng chất lượng dự án để tăng tính cạnh tranh hơn, đa dạng cơ cấu nguồn vốn. 

Đặc biệt, thị trường BĐS cần phải minh bạch và rõ ràng hơn, bắt đầu từ tất cả các thành phần tham gia vào thị trường, bao gồm: Cơ quan chức năng Nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị phân phối, ngân hàng và khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cung bất động sản năm 2019 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO