Người mua nhà trả góp “oằn mình” trả tiền vay ngân hàng

Đình Du| 16/04/2020 11:00

(TN&MT) - Trước ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 đã kéo theo hệ lụy người lao động thu nhập giảm, thậm chí thất nghiệp khiến người vay vốn mua nhà trả góp rất khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng.

Nỗi lo trả nợ vay mua nhà

Theo chị Oanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), hai vợ chồng chị mua căn nhà gần 1,7 tỷ đồng vào cuối năm 2018, lúc đó vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Mỗi tháng cả tiền gốc và tiền lãi phải trả cho ngân hàng hơn 11 triệu đồng. Chị Oanh là nhân viên Công ty Dịch vụ khách sạn, còn chồng làm kinh doanh. Tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 kéo dài khiến Công ty không làm ăn được, thu nhập của cả hai vợ chồng bị giảm mạnh. Mỗi khi nghĩ về việc xoay sở trả nợ ngân hàng hai vợ chồng đều lo lắng, bất an.

Còn cô giáo Hạnh (ngụ quận 10, TP.HCM) vay ngân hàng mua nhà trả góp trong 15 năm và phải trả ngân hàng hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các trường học cho học sinh nghỉ theo lịch nghỉ chung của Thành phố để phòng chống dịch. Giờ gia đình trông vào mỗi thu nhập chính của chồng thì không thể đủ để trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng. “Tình hình này kéo dài vài tháng nữa, gia đình tôi không biết xoay sở ra sao, nếu không xoay được, đành phải bán nhà” - cô Hạnh lo lắng.

Ngân hàng SHB triển khai gói tín dụng 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay

Tương tự, anh Thanh mua căn hộ một dự án tại quận 8 với giá gần 2,5 tỷ đồng. Vợ chồng anh vay thêm ngân hàng 1,3 tỷ đồng, lãi suất hơn 11%/năm, mỗi tháng phải trả gốc và lãi gần 18 triệu đồng. “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công việc 2 vợ chồng đều bị ảnh hưởng, thu nhập đều giảm, vợ chồng anh vẫn chưa trả được ngân hàng. Sau nhiều lần nhắc nhở, chủ đầu tư đòi xử phạt trả chậm. Anh cho biết sẽ gửi thư cầu cứu ngân hàng xem xét giảm lãi suất, giãn thanh toán cho anh.

Trông chờ vào ngân hàng

Hiện nay, người vay vốn ngân hàng mua căn hộ chung cư ở TP.HCM rất khó xoay sở trả nợ ngân hàng. Nhiều người vay tiền mua căn hộ rất mong ngân hàng cùng với các chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà trả góp. Song, theo Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Phúc Chương, để được xét giảm lãi suất, giãn nợ, khách hàng phải thỏa mãn nhiều điều kiện mà ngân hàng đặt ra như: Phải nằm trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.

Đồng thời, nguồn này phải là khoản thu nhập mà khách hàng kê khai trong hồ sơ vay ban đầu với ngân hàng. “Mỗi ngân hàng đều có quy định khác nhau và mức giảm tùy theo từng đối tượng chứ không có mẫu số chung. Hiện nay, có quá nhiều khách hàng đang gặp khó khăn, nếu ngân hàng không gia hạn nợ, giảm lãi suất, các khoản vay sẽ rơi vào nợ xấu. Ngân hàng phải dùng lợi nhuận để hỗ trợ rủi ro cho khoản nợ này, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh” - ông Chương phân tích.

“Thời điểm này, ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào “tiền túi” của các ngân hàng thì rất khó vì các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, họ cũng phải cân đối nguồn thu, nguồn chi và sẽ thực hiện rất chừng mực. Do đó, cần có gói hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ và có sự “tiếp sức” từ nguồn tiền ngân sách để giúp người vay vượt qua giai đoạn khó khăn này”

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Phúc Chương

Đại diện Ngân hàng TP Bank cho biết, tháng 3/2020, TP Bank đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục triển  khai việc này trong các tháng tới. TP Bank cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân đang vay với mức giảm từ 0,5 - 1% so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỷ đồng. Ở nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà, ngân hàng chỉ hỗ trợ bằng cách giảm lãi trực tiếp trên hợp đồng, không hỗ trợ cơ cấu lại nợ giống như doanh nghiệp.

“Trước mắt, chúng tôi quyết định không hỗ trợ đại trà mà chỉ hỗ trợ những cá nhân vay bị cách ly. Người cách ly là công chức, viên chức, công nhân lao động phải có giấy xác nhận của Cơ quan y tế, Văn bản xác nhận giảm thu nhập, người kinh doanh nhỏ lẻ, người cho thuê nhà trọ cũng phải chứng minh hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Nếu chứng minh được việc bị giảm thu nhập, khách hàng sẽ được giảm lãi trực tiếp hoặc gia hạn nợ trong vòng một năm” - đại diện Ngân hàng Vietcombank cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mua nhà trả góp “oằn mình” trả tiền vay ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO