Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Phát hiện nhiều bất cập

27/10/2017 00:00

(TN&MT) - Cùng với việc điều tra khảo sát, ghi nhận thực tế từ phía người dân có đất bị thu hồi, nhóm thực hiện Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu...

 

(TN&MT)- Cùng với việc điều tra khảo sát, ghi nhận thực tế từ phía người dân có đất bị thu hồi, nhóm thực hiện Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” do PGS.TS Phan Trung Hiền – Phó trưởng Khoa Luật, Chủ nhiệm dự án cùng ThS Trần Vang Phủ - Giảng viên Khoa Luật (Đại học Cần Thơ) qua nghiên cứu Luật Đất đai, các văn bản thi hành, quy định của các địa phương và tiếp cận phỏng vấn các chuyên gia, đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập từ quy định pháp lý trong quy trình thu hồi đất.

BẤT CẬP TỪ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, PHỐI HỢP, TRÌNH TỰ

Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu, hiện chưa có quy định chi tiết về thành phần, cơ chế phối hợp làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng với các cơ quan, tổ chức hữu quan; mô hình hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

Cụ thể, Điều 68 Luật Đất đai quy định tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, gồm: tổ chức dịch vụ công về đất đai (Trung tâm phát triển quỹ đất) và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì lại không quy định về thành phần, nguyên tắc làm việc và trách nhiệm cụ thể trong các văn bản của trung ương (chỉ được quy định trong văn bản của địa phương). Bên cạnh đó, qui chế phối hợp giữa 2 chủ thể này với nhau và với cơ quan quan khác như UBND, cơ quan tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương… chưa được quy định rõ ràng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phối hợp và trách nhiệm rõ ràng của các chủ thể khi tiến hành giải phóng mặt bằng dự án cụ thể - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ thấy rõ vấn đề này trong thực tiễn điều hành hoạt động. Trên thực tế, đến nay TP.Cần Thơ thì có Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, còn các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL thì Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp tỉnh. Sự không thống nhất về mô hình trong thực tế nên quy trình thực hiện cũng có những khác biệt nhất định.

1. Tại cuộc họp thông báo thu hồi đất triển khai dự án xây dựng Khu đô thị mới và giải trí Cồn Khương (TP.Cần Thơ), nhiều ý kiến của người có đất bị thu hồi không đồng thuận về việc định giá đất, xác định vị trí đất, tái định cư, người đại diện các hộ dân trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
1. Tại cuộc họp thông báo thu hồi đất triển khai dự án xây dựng Khu đô thị mới và giải trí Cồn Khương (TP.Cần Thơ), nhiều ý kiến của người có đất bị thu hồi không đồng thuận về việc định giá đất, xác định vị trí đất, tái định cư, người đại diện các hộ dân trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Trình tự thu hồi đất hiện áp dụng chung cho tất cả các loại dự án, chưa có trình tự rút gọn đối với các dự án đặc thù. Hiện nay, các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đều áp dụng chung một trình tự thủ tục thu hồi đất theo các mốc thời gian giống nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn có những dự án ảnh hưởng số dân khác nhau, tiến độ dự án cần đẩy nhanh hoặc những dự án có mức vốn khác nhau nên rất cần sự khác biệt nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm cho phí nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất thu hồi.

THIẾU QUY ĐỊNH VỀ THÔNG TIN RÕ RÀNG, ĐẦY ĐỦ

Nhóm nghiên cứu nhận định, thông tin về quy hoạch, kế hoạch chi tiết của dự án chưa được triển khai cụ thể, rõ ràng. Theo quy định tại Điều 58 và Điều 63 Luật Đất đai thì thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được quyết định, phê duyệt phải công bố, công khai ra dân trước khi triển khai thực hiện. Nhưng trên thực tế, không ít trường hợp người dân bị ảnh hưởng trong vùng quy hoạch không nhận được thông tin rõ ràng về quy hoạch của dự án.

Trong khi đó, quy định về nội dung thông báo thu hồi đất tồn tại bất cập, gây khó khăn khi triển khai trong thực tiễn. Nội dung thông báo chưa rõ ràng, cụ thể, ảnh hưởng quyền lợi của người có đất thu hồi. Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai quy định 5 nội dung thông báo thu hồi đất, bao gồm: kế hoạch thu hồi đất, điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm” nhưng Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai lại quy định nội dung thông báo thu hồi đất không bao gồm đầy đủ 5 nội dung của Luật mà chỉ có 4 nội dung.

Bên cạnh đó, nội dung thông báo về diện tích, vị trí, loại đất đang sử dụng của phần đất thu hồi theo biểu mẫu 07 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Các nội dung trên sẽ rất khó để thông báo chính xác bởi chưa thực hiện khảo sát, kiểm đếm khi thông báo thu hồi, hơn thế nữa, hồ sơ địa chính hiện vẫn chưa hoàn chỉnh và còn một tỉ lệ nhất định người sử dụng đất vẫn chưa đăng ký nên không có thông tin trong hồ sơ địa chính.

Ngoài ra, nội dung thông báo thu hồi đất có một số nội dung chưa cụ thể, chưa đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi, cụ thể nhừ từ thời điểm thông báo thu hồi đất, người sử dụng đất không được làm gì và được làm gì chưa được quy định cụ thể và chưa thể hiện trong nội dung thông báo thu hồi đất.

BẤT CẬP VỀ HIỆU LỰC THÔNG BÁO THU HỒI ĐẤT VÀ PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ những bất cập về hiệu lực của thông báo thu hồi đất và thời gian phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, Điều 67 Luật Đất đai chỉ quy định thời gian thông báo thu hồi đất tối thiểu là 90 ngày hoặc 180 ngày tùy theo loại đất thu hồi chứ không quy định thời gian tối đa. Điều này dẫn đến bất cập là sau khi có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất bị hạn chế nhiều quyền mà kéo dài thời gian rất lâu cơ quan có thẩm quyền mới ban hành Quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Điều 93 Luật Đất đai cũng chỉ quy định về thời gian chi trả tiền bồi thường từ khi Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành chứ không quy định cụ thể thời gian từ khi kết thúc kiểm đếm cho đến khi phê duyệt là bao lâu, điều này phát sinh bất cập là sau khi kiểm đếm hoàn thành việc lập Phương án nhưng chưa được giải ngân vốn hoặc Nhà đầu tư chưa ứng vốn thì có thể kéo dài thời gian phê duyệt phương án (điều này ảnh hưởng lớn đến giá trị bồi thường bởi từ khi kiểm đếm định giá đến khi bồi thường là một khoảng thời gian dài).

Mặt khác, đến nay cũng chưa có quy định về thủ tục ghi hình, ghi ảnh hiện trạng khu đất thu hồi làm căn cứ xét bồi thường. Mặc dù Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 quy định tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường. Việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thời điểm định giá đất, tài sản gắn liền với đất để tính tiền bồi thường. Về giá đất tính tiền bồi thường tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định “giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn không xác định rõ “thời điểm quyết định thu hồi đất” là thời điểm nào nên việc tiến hành khảo sát định giá đất bồi thường hiện nay chưa thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, giá công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi cũng không tiến hành khảo sát và định giá mà chỉ áp đơn giá được UBND cấp tỉnh quy định từ nhiều năm trước (Ví dụ: Cần Thơ hiện vẫn sử dụng đơn giá năm 2015 - theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND; Hậu Giang thì sử dụng đơn giá năm 2014 – theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND).

QUYỀN GIÁM SÁT CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY ĐÚNG MỨC

Theo nhóm nghiên cứu, hiện chưa quy định về việc công khai quy định chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án cụ thể; chưa quy định chi tiết thống nhất về lấy ý kiến đối với Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Trước đây, trình tự thủ tục thu hồi đất giai đoạn Luật Đất đai 2003 có quy định về phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Phương án tổng thể này thể hiện những quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được áp dụng cho các hộ dân trong dự án (là bước chuyển tiếp từ quy định rất chung của trung ương đến từng trường hợp chi tiết khi giải phóng mặt bằng). Điều này có nhiều thuận lợi, giúp người dân hiểu được ngay từ đầu chủ trương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chứ không chờ đến khi có phương án chi tiết; là chuẩn chung tạo nên sự công bằng nhất định giữa các hộ dân trong dự án, là căn cứ để người dân giám sát quá trình lập phương án chi tiết, áp giá bồi thường từng trường hợp cụ thể.

2. Nhiều hộ dân trong quy hoạch KCN Hưng Phú 2A (TP.Cần Thơ) bức xúc vì chờ đợi suốt 8 năm qua chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… cũng không được thông báo rõ ràng
2. Nhiều hộ dân trong quy hoạch KCN Hưng Phú 2A (TP.Cần Thơ) bức xúc vì chờ đợi suốt 8 năm qua chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… cũng không được thông báo rõ ràng

Bên cạnh đó, Phương án đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người có đất thu hồi, đặc biệt khi thu hồi đất nông nghiệp nưng những quy định về lấy ý kiến phương án còn chồng chéo, chưa cụ thể. Tại Khoản 3 Điều 84 Luật Đất đai thì Phương án này được lấy ý kiến của người có đất thu hồi nhưng Khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại quy định Phương án lấy ý kiến của người thu hồi đất. Vậy sẽ lấy ý kiến ai (?) Nội dung lấy ý kiến, hình thức, thời gian lấy ý kiến chưa được quy định.

Quyền giám sát của công dân chưa thể hiện rõ và chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện. Mặc dù quyền giám sát của công dân đối với công tác quản lý đất đai nói chung, đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nói riêng đã được quy định tại Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả quyền giám sát này. Trong trình tự, thủ tục thu hồi đất hiện nay chỉ ghi nhận cụ thể quyền được lấy ý kiến, quyền khiếu nại, khiếu kiện của người có đất thu hồi; còn quyền giám sát của người dân thể hiện rất mờ nhạt. Văn bản không quy định rõ nội dung, giới hạn phạm vi giám sát gồm những gì, giám sát bằng cách nào, phản ánh đến ai và kết quả phản ánh sẽ xử lý như thế nào. Đây là những nội dung quan trọng cần được cụ thể hóa trong trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chưa phát huy được vai trò chính yếu là giám sát, phản biện; chủ yếu hiện nay chỉ thực hiện công tác vận động. Hiến pháp và Luật Mặt trận tổ quốc năm 2015 xác định rõ chức năng giám sát và phản biện là hai chức năng cơ bản, quan trọng của Mặt trận. Trong quá trình thu hồi đất sự giám sát và phản biện của Mặt trận là rất cần thiết. Tuy nhiên, các văn bản đất đai quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất chỉ chú trọng và chi tiết các quy định về Mặt trận tổ quốc cấp xã khi có cưỡng chế - hiện nay Mặt trận chỉ được quy định cụ thể về vai trò vận động, thuyết phục trong quá trình cưỡng chế tại Điều 69 Luật Đất đai. Giám sát của Mặt trận còn có khi thể hiện đâu đó nhưng phản biện của Mặt trận về vấn đề này hiện nay là rất mờ nhạt. Đồng thời trách nhiệm giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa được quy định rõ ràng trong các bước thực hiện thu hồi đất.

Hùng Long (ghi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Phát hiện nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO