Nghị quyết 36-NQ/TW: “Cú hích lớn” phát triển kinh tế biển

Kim Liên| 13/02/2021 16:59

(TN&MT) - Đứng trước những thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển Việt Nam từ “nâu” sang “xanh lam”.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, thông qua những định hướng đúng đắn trong mục tiêu và khâu đột phá, nền kinh tế biển Việt Nam đã có những  bước chuyển mình mạnh mẽ, mang đến những sắc màu tươi sáng, mở ra một thời kỳ mới cho nền kinh tế xanh lam hướng ra biển và làm giàu từ biển.

1. Chưa bao giờ nguồn năng lượng tái tạo từ biển như điện gió, điện mặt trời lại phát triển mạnh mẽ như trong thời gian gần đây. Với những ưu đãi cụ thể về giá thành nối lưới, ưu tiên nguồn vốn và những chủ trương khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, nguồn điện năng từ gió, mặt trời ngoài biển khơi đã phát triển “nóng” với hàng loạt dự án “khủng”.

Có thể kể đến Dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận, một dự án điện gió được đánh giá là lớn nhất thế giới với công suất 3,4 GW đã thực hiện đo gió xong giai đoạn 1 (2019 - 2020) và sẽ bước sang giai đoạn 2 (2021 - 2025) triển khai xây dựng và hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Hay Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi trong năm 2020 và có thể hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế cường quốc điện gió với vị trí nằm trong top 5 cho Việt Nam. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã vươn lên thứ 8 trong danh sách các quốc gia có điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới.

Kinh tế biển Việt Nam đã có những  bước chuyển mình mạnh mẽ

Điện gió là nguồn năng lượng được Việt Nam khai phá từ rất sớm (2008); song mới chỉ vươn lên mạnh mẽ từ sau khi thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa X. Từ lúc chỉ manh nha xuất hiện 1 đến 2 dự án thăm dò và xây dựng, đến nay, theo báo cáo mới nhất của Ban Thị trường điện EVN, hiện Việt Nam đã có tới 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) và còn 31 dự án (tổng công suất 1.645 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD. Ngoài ra, hiện còn 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến đến 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

2.Hai năm qua, mặc  dù gặp phải nhiều rào cản, khó khăn như thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng ghi dấu ấn sâu sắc trong bước thay đổi mô hình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững nghề cá Việt Nam. Từ chỗ khái niệm “nuôi biển” bằng lồng bè ngoài khơi chỉ là “nhìn sang láng giềng” để mong ước, thì nay, không ít các doanh nghiệp Việt Nam nhờ cơ chế chính sách cởi mở, tạo điều kiện giao khu vực biển, nguồn vốn và khuyến khích ứng dụng công nghệ cao từ Nghị quyết 36/NQ-TW, đã mạnh dạn đầu tư để nuôi thủy hải sản xa bờ.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã rất thành công khi thả nuôi cá lồng, bè trên vùng biển Phú Quốc, Kiên Lương (Kiên Giang), mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi biển xa bờ quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại. Mỗi lồng tròn có thể nuôi được từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm. Lồng nuôi chịu được sóng, gió cấp 10, và có thể xả van nhận chìm để đảm bảo an toàn khi có bão lớn. Người nuôi có thể đầu tư nuôi ngoài khơi xa, tránh được rủi ro do các nguồn ô nhiễm gần bờ.

Nhìn lại nguồn tiềm năng nuôi biển xa bờ, Việt Nam có tới hơn 3.000 km bờ biển kéo dài từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm trên hải phận Biển Đông. Chúng ta có vùng biển có đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền và chiếm tới 30% diện tích Biển Đông. Đây là tiềm năng lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tận dụng nguồn tài nguyên vốn có, đẩy xa ô nhiễm môi trường biển do nuôi trồng thủy hải sản gần bờ và quá dày đặc trong thời kỳ trước, hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược Phát triển nuôi biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm phát triển nghề cá bền vững, hướng tới khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản quy mô công nghiệp tại các khu vực biển xa bờ. Đưa giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Đến năm 2030, sản lượng nuôi biển đạt 1.750.000 tấn, giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 5,0 - 8,0 tỷ USD. Đến năm 2050, đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta, đóng góp 12 - 15% GDP.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè

3. Để chuyển đổi nền kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh lam”, không thể không kể tới hệ thống cảng biển. Bởi lẽ, cảng biển đang chịu áp lực với nguy cơ ô nhiễm cao và phát thải khí nhà kính lớn từ hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ các cảng biển.

Cụ thể, cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng Công-ten-nơ khoảng 101 tấn CO2/năm; cảng xăng dầu Thanh Lễ phát thải khoảng 385 tấn CO2/năm; cảng sửa chữa, đóng tàu cũng phát thải 2.278 tấn CO2/năm.

Hai năm qua, với sự “vào cuộc” quyết liệt của cơ quan quản lý và sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cảng biển, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có những dấu hiệu “thay da đổi thịt” rõ nét. Có thể kể đến giải thưởng Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC (APSN) đã trao giải thưởng cho Tân cảng Cát Lái thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn  vào tháng 11/2018. Tân cảng Cát Lái là cảng đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng Cảng xanh. Giải thưởng là sự ghi nhận của Cộng đồng Cảng APEC về những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và nhân viên Tân cảng Cát Lái trong những năm qua trong việc không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên, liên tục mở các lớp đào tạo nâng cao ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, phát triển cảng bền vững. Cuối năm 2020, một tin vui lại đến khi cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép được giải thưởng Cảng xanh 2020.

Mới đây, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long nhận giải thưởng Cảng tàu khách hàng đầu Châu Á năm 2020, bởi Cảng này đã luôn duy trì, đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như phương pháp tiếp cận toàn diện mà cảng đã áp dụng để phát triển ngành công nghiệp du thuyền ở Việt Nam và khu vực; đồng thời, khẳng định vị trí của hệ thống cảng biển chuyên biệt Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tính đến ngày 3/11, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã đón 78 chuyến siêu du thuyền quốc tế với 121.050 khách và 36.260 chuyến tàu nội địa, đưa 887.124 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long. Đây là một dấu ấn quan trọng, đánh dấu năng lực vượt trội và vị thế quan trọng của Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ hoàn hảo cho bước phát triển du lịch mới.

Với việc thực hiện quốc gia tự đóng góp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, với sự hỗ trợ của Nhật Bản và các nước khác, Việt Nam đã đưa kiểm kê khí nhà kính vào thực hiện tại khu vực cảng biển, qua đó đề ra giải pháp ứng dụng công nghệ các-bon thấp vào các cảng biển như cấp điện từ bờ, đèn LED trên sân bãi, xe nâng chạy điện… Các giải pháp công nghệ này đã mang lại những kết quả rất khả quan. Theo đó, cảng Bến Nghé giảm được 310 tấn CO2/năm; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giảm 462 tấn CO2/năm; cảng Công-ten-nơ giảm trên 1.000 tấn CO2/năm.

Việc kiểm kê giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải khí nhà kính và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các hoạt động khác nhau trong xã hội, góp phần thế nào vào quá trình nóng lên toàn cầu, cũng như xác định các khu vực mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bắt buộc các chủ tàu sử dụng nhiên liệu đúng quy định, nghiên cứu chuyển dần sang việc sử dụng nhiên liệu sạch trong tương lai. Song song với đó là việc Bộ GTVT xây dựng tiêu chí Cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Mục tiêu đặt ra là 100% cảng biển trên cả nước sẽ được công nhận là Cảng xanh vào năm 2050…

Những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực kinh tế biển đã đánh những mốc son đầu tiên cho thành công đến từ quyết sách đúng đắn và sâu sắc để đưa nền kinh tế biển Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của biển Việt Nam trên trường quốc tế. Một mùa xuân mới lại về trên những cánh sóng ngoài khơi, mang theo niềm tin và hy vọng vào một năm mới nhiều thành tựu vượt bậc từ nền kinh tế biển…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 36-NQ/TW: “Cú hích lớn” phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO