Nhằm tập trung cao sự chỉ đạo tại các địa phương, đơn vị, huy động mọi nguồn lực để điều tiết, trữ nước, thực hiện tốt công tác phòng ngừa hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Qua đó chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, sự thiếu hụt nguồn nước để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có phương án cụ thể.
Tỉnh Nghệ An ban hành các giải pháp thuỷ lợi phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2021 |
Cùng với đó tranh thủ các kỳ triều cường trước các đợt điều tiết nước bổ sung và các nguồn nước sẵn có khác để lấy nước sớm, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng; vận hành công trình hợp lý, không để xảy ra xâm nhập mặn, cung cấp nước kịp thời cho sản xuất nông nghiệp.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch điều tiết nước hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2021.
Thường xuyên duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, cửa van điều tiết nước, máy đóng mở. Đối với các trạm bơm phải đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, điện, tận dụng tối đa bơm giờ thấp điểm. Kiểm tra các máy bơm dự phòng được trang bị để chuẩn bị sẵn sàng bơm khi có hạn xảy ra.
Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị liên quan để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp xả nước thải, rác thải vào công trình thủy lợi, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Các địa phương tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn.