Nghệ An: Chủ động phòng, chống chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Đình Tiệp| 25/02/2021 15:02

(TN&MT) - Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Nghệ An trong nhiều năm qua xảy ra khá nhiều nơi. Tình trạng sạt lở không chỉ gây mất đất sản xuất, biến đổi dòng chảy mà còn đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Đề án phòng, chống chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Báo động sạt lở bờ sông, bờ biển

Trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Nghệ An diễn ra khá phổ biến, thậm chí một số nơi trở thành nỗi ám ảnh, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân.

Do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 9, vào cuối tháng 10/2020, tại biển thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An có mưa rất to, sóng biển dâng cao gần 3m, va đập mạnh đã làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống kè chắn sóng dọc bờ biển, gây sạt lở nghiêm trọng.

Bờ biển Cửa Lò bị sạt lở nghiêm trọng

Trước đó, ảnh hưởng của bão số 7 cũng đã làm kè đường dạo bộ chắn sóng bị hư hỏng và sụt lún khoảng 300m; đường dạo bộ bị hư hỏng và sạt lún, sập khoảng 500m2. Ngoài ra, chiều dài kè chân biển khoảng 500m bị xói lở. Gạch lát bậc cấp kè biển bị bong tróc hư hỏng khoảng 200m2. Khi ảnh hưởng của cơn bão số 7 chưa được khắc phục thì ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 9 lại đến khiến tình trạng trên càng thêm nặng nề. Trong đó, kè trọng lực bị sập, xâm thực vào bờ dài khoảng 200m. Kè xây đá bị sạt lở, đường dạo bộ bị hư hỏng nặng khoảng 500m. Thậm chí, đoạn quảng trường Bình Minh cũng bị hư hỏng thêm với bê tông đường kè, chân kè bị sập khoảng 300m ở phía nam quảng trường.

Sóng biển "đánh bay" cả hàng quán kinh doanh du lịch của người dân ở phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò

Riêng trên địa bàn phường Thu Thuỷ, trong số chiều dài hơn 1,5km tuyến bờ kè chắn sóng và đường dạo bộ, đã có khoảng 800m bị sóng đánh sập toàn bộ bờ kè và đường dạo bộ. Tổng thiệt hại do các sạt lở, hư hỏng nói chung lên tới khoảng 12 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của PV, tại các khu vực bờ kè bị sạt lở nói trên hiện trường vẫn đang như cũ. Hàng nghìn mét bờ kè kéo dọc từ bờ biển phường Nghi Hương qua quảng trường Binh Minh đến khu vực phường Thu Thủy vẫn đang nham nhở, hoang tàn.

Ông Doãn Văn Lâm - Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò cho biết, do hệ thống kè biển đoạn từ K0+000 đến K4+400 (từ đảo Lam Châu đến ngã ba Cửa Hội) chưa được thi công khép kín hoàn toàn, sóng kết hợp với thủy triều dâng cao đã đánh vỡ làm hỏng hoàn toàn và cục bộ khoảng hơn 2,5km kè biển, đường dạo bộ và hệ thống cây xanh trên khu vực này; xâm thực vào sâu trong đất liền, ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng dọc ven biển thị xã Cửa Lò.

Trận lụt lịch sử cuối năm 2020 cũng khiến cho nhiều hộ dân ở thôn Minh Đức (trước đây là thôn Vận Tải), xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương sống trong lo âu, thấp thỏm do tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ.

Sạt lở đất ven sông Lam ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông

Theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Rộ đoạn qua Minh Đức, xã Võ Liệt, nhiều diện tích đất bị lấn sâu khu vực nhà ở của người dân từ 2-5m, nhiều nhà dân ở khu vực này nằm chênh vênh bên mép sông khiến họ hàng ngày luôn sống trong cảnh bất an.

Tình trạng sạt lở đất dọc theo bờ sông Hiếu, đoạn qua bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng xảy ra từ nhiều năm qua. Được biết, dọc bờ sông Hiếu, nhiều đoạn sạt lở, ăn sâu vào sân sau của nhà dân. Vùng sạt lở có chiều dài khoảng gần 1km, lở sâu vào đất liền 10m. Đặc biệt, có nơi sạt lở chỉ cách quốc lộ 48 dọc sông Hiếu khoảng 30 mét. Sạt lở đã uy hiếp trực tiếp 22 hộ dân tại địa phương này.

Được biết, tại huyện Con Cuông, xã Chi Khê và xã Bồng Khê là một trong những địa phương bị sạt lở đất nhiều nhất. Theo số liệu thống kê thì toàn xã Bồng Khê có đến trên 5ha đất sản xuất nông nghiệp ở bãi bồi sông Lam bị sạt lở, kéo dài từ khu vực gần giáp ranh với xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) lên gần thị trấn Con Cuông.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, sau các đợt mưa lũ 2 năm gần đây, trên địa bàn huyện có khoảng 30ha đất bên bờ sông Lam bị sạt lở (mất vĩnh viễn).

Sạt lở gây mất đất bồi ven sông

Tại huyện Anh Sơn, hiện tượng sạt lở đất cũng xảy ra ở nhiều xã như Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Lạng Sơn, Thành Sơn…

Tại Thôn 5, xã Đỉnh Sơn hiện tượng sạt lở đất ven sông Lam đã ăn sâu vào nhiều mét. Đặc biệt, khu vực phía sau Nhà máy đường Sông Lam nhiều điểm bị sạt lở thêm khoảng từ 1-2m, rất nguy nhiểm. Ngoài ra, khu vực phía trên cầu Cây Chanh nối từ xã Đình Sơn sang xã Thành Sơn hiện tượng sạt lở đất cũng khá nghiêm trọng, nhiều diện tích đất trồng ngô sinh khối của người dân vốn canh tác nay đã bị sạt lở vào khá sâu, người dân hết sức lo lắng.

Cây trồng của người dân cũng thường bị nước sông cuốn trôi

Tình trạng sạt lở đất bờ sông Lam, sông Hiếu và những con sông khác đoạn chảy qua các huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp…những năm gần đây cũng xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa lũ.

Chủ động các giải pháp

Trước thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển như đã phản ánh ở trên, UBND tỉnh Nghệ An mới vừa ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND, ngày 18/02/2021 về thực hiện Đề án phòng, chống chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo các nhà chức trách tỉnh Nghệ An, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

Các cơ quan chức năng cần có giải pháp để chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Mục tiêu của kế hoạch nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro do sạt lở; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển ảnh hưởng đến sạt lở; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.

Thi công kè sông Hiếu, đoạn qua huyện Quỳ Châu để chống sạt lở bờ sông

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp như: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch; triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở; chủ động bố trí ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Chủ động phòng, chống chống sạt lở bờ sông, bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO