Ngành Xây dựng hướng tới 2015: Sẵn sàng đương đầu thách thức

16/01/2015 00:00

(TN&MT) - Năm 2014 khép lại với nhiều nỗ lực và thành tích đáng khen ngợi của ngành xây dựng trong việc giải quyết những khó khăn, tồn tại.

(TN&MT) - Năm 2014 khép lại với nhiều nỗ lực và thành tích đáng khen ngợi của ngành xây dựng trong việc giải quyết những khó khăn, tồn tại từ giai đoạn phức tạp trước đó. Đây là động lực mạnh mẽ để ngành tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra đường hướng phát triển tiếp theo trong năm 2015.
   
Bộ Xây dựng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ảnh: H. Minh
   
Tổng giá trị toàn ngành tăng 10,2%
   
  Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2014, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt được là 849 nghìn tỷ đồng (năm 2013 là 770.410 tỷ đồng, tăng 10,2%), chiếm tỷ trọng 6,0% GDP cả nước (năm 2013 chiếm tỷ trọng 5,9% GDP). Trong đó bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 84,3 nghìn tỷ đồng (giảm 8,9% so với năm 2013), chiếm 9,9%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 709,9 nghìn tỷ đồng (tăng 10,3% so với năm 2013), chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,8 nghìn tỷ đồng (tăng 62,3% so với năm 2013), chiếm 6,5%. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc ưu tiên khu vực ngoài Nhà nước và mở rộng cửa đón dòng vốn từ các doanh nghiệp quốc tế.
   
  Bất động sản là lĩnh vực đáng chú ý. Thị trường đã có dấu hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2013 và tiếp tục đà khởi sắc trong năm 2014, thể hiện qua lượng giao dịch tăng; giá cả tương đối ổn định; lượng tồn kho giảm; tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn tín dụng chung, cho thấy đây vẫn là một kênh hấp dẫn vốn… Trong cả năm, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013), tại TP HCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng khoảng 30% so với năm 2013). Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cũng đang dần phát huy tác dụng. Đến giữa tháng 12/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay  9.417 tỷ đồng, giải ngân được 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% (tháng 6/2014 mới đạt 7,63%). Thực tế qua 2 năm triển khai đã khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ động đề xuất là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán. Niềm tin vào thị trường được khôi phục.
   
  Ngoài ra, theo các báo cáo của ngành cuối năm 2014, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đã đạt khoảng 34,5% (tăng 1,03% so với năm 2013); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 80% (tăng 1% so với năm 2013); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt 84%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch khoảng 25,5% (giảm 1,5% so với năm 2013).
   
  Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 20,6m2 sàn/người (tăng 1m2/sàn/người so với năm 2013). Cả nước đã phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương khoảng 12.000 căn hộ) đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt 1,8 triệu m2.
   
  Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 70,6 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch (tăng 15% so với năm 2013), trong đó xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn (tăng 30%)...
   
  Năm 2014 cũng là năm mà Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý Nhà nước. Trong đó, đặc biệt đã hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật quan trọng, bao gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành.
   
Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước
   
  Bên cạnh thành tích nổi bật, không thể bỏ qua những vấn đề trở ngại trong công cuộc phát triển ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Bộ Xây dựng hướng tới năm 2015 với quyết tâm củng cố, kiện toàn hệ thống pháp luật của ngành, sẽ tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2014; sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nâng loại đô thị, quản lý vật liệu xây dựng...
   
  Đổi mới và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
   
  Triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn. Chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của địa phương, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên…
   
  Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tăng cường quản lý vật liệu xây dựng theo quy hoạch; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng...
   
  Để củng cố quyết tâm đạt kết quả cao khi thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm vào năm tới, Bộ cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp trong ngành cùng chung tay phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để mọi chủ trương, chính sách phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ khó khăn và hướng tới sự phát triển chung của toàn ngành.
   
Khánh Ly
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Xây dựng hướng tới 2015: Sẵn sàng đương đầu thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO