Ngành nông nghiệp Quảng Nam “sống chung” với BĐKH

Lan Anh| 16/03/2022 14:16

(TN&MT) - Thay vì ngửa mặt kêu trời, nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước tưới, vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, vừa nâng cao giá trị cây trồng và tạo nguồn thu nhập bền vững.

Không thể phó mặc cho trời

Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thường xuyên phải đối diện với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sớm, không thể sản xuất lúa. Sau thời gian dài mất mùa, phải bỏ hoang đồng ruộng, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả  sang trồng ngô, đậu bắp. Theo người dân, đậu bắp là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thích ứng tốt với nắng hạn.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc Hợp tác rau sạch Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ hè thu, chủ yếu người dân trồng những loại cây này do ít sử dụng nước, chịu được độ mặn, nên phù hợp những tháng mùa khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những giải pháp thích ứng với tình hình hạn mặn như hiện nay tại địa phương.

quangnam1.jpg
Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả được nông dân Duy Xuyên chuyển sang trồng ngô và đậu bắp 

“Thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt, hạn hán xảy ra sớm, đầu năm đã xảy ra rồi. Căn cứ vào tình hình đó, Hợp tác xã cũng chuyển đổi một số diện tích sang cây trồng cạn. Nói chung từ khi chuyển đổi qua, giá của những loại sản phẩm đó nhìn chung cũng được, tương đối, nông dân vẫn đủ đảm bảo nguồn thu nhập”- ông Nguyễn Quang Phương nói.

Thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh kích ứng BĐKH, bà con trong HTX Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã chọn giống đậu phụng có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng tốt mà tỷ lệ đậu quả cao. Khi canh tác cây đậu phụng người dân được hướng dẫn sử dụng bón phân chuồng tăng cường với men vi sinh để hạn chế bệnh thối rễ. Bên cạnh đó mô hình cũng hạn chế được lượng nước tưới khi áp dụng tưới theo từng đợt đảm bảo đủ nước theo chu kỳ sinh trưởng của cây. Người nông dân tham gia mô hình này sẽ nắm được kỹ thuật làm đất trước khi gieo hạt nên hạn chế được sâu bệnh phá hoại.

Lão nông Ngô Văn Viết, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cho biết: Trước khi thực hành sản xuất trên đồng ruộng, chúng tôi đã được tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi từ cái cây lúa qua cây trồng cạn để tiết kiệm được nước nhưng năng suất, sản lượng cao hơn.

quangnam2.jpg
Hầu hết các diện tích chuyển đổi cây trồng ở vùng cạn đều mang lại năng suất cao

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, ảnh hưởng của BĐKH ngày càng phức tạp, mùa nắng nóng nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam luôn đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Do vậy, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất, bỏ hoang đất nông nghiệp. Trước tình hình đó, địa phương đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích đã chuyển đổi từ sản xuất lúa sang sản xuất cây trồng khác khoảng hơn 4.379 ha, trong đó năm 2016 có diện tích chuyển đổi lớn nhất là 1.289 ha. Đối với vùng đồng bằng, trung du, cây trồng chuyển đổi chủ yếu là: lạc, ngô, dưa hấu, rau các loại...; đối với vùng miền núi, cây trồng chuyển đổi chủ yếu là: cây dược liệu, cây ăn quả: chuối, bưởi… Địa phương có diện tích chuyển đổi lớn là Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh, Đại Lộc…

Nhìn chung, các diện tích chuyển đổi đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Cây trồng trong mô hình chuyển đổi đều cho năng suất cao và lợi nhuận tăng từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất. Chính điều đó đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha canh tác từ 75,3 triệu đồng/ha năm 2016 lên đến 84,4 triệu đồng/ha vào năm 2020. Từ đó đã tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân, giải quyết tình trạng bỏ ruộng không gieo cấy tại nhiều địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, hình thành nên những cánh đồng lớn thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào liên kết sản xuất cũng là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay.

quangnam3.jpg
Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nền của BĐKH

Ông Nguyễn Xuân Vũ, phó Giám đốc Sở NN&PT NT Quảng Nam cho biết: Quan điểm của địa phương là khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng làm sao có lợi tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi khoảng 7.200 ha gieo trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, lạc và các cây trồng cạn khác như rau, quả thực phẩm, hoa cây cảnh các loại... Phát triển và duy trì diện tích ngô đạt 15.000 ha, lạc đạt 13.000 ha, cây thực phẩm (rau, đậu, củ, quả...) đạt 18.000 ha/năm…; chuyển trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển trồng sen, cói, lác...(đối với vùng trũng thấp). Đối với vùng trung du, miền núi: chuyển sang trồng cây lâu năm (hồ tiêu, dược liệu, cây ăn quả...).

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng phải được tính toán phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh gắn với bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để giảm lượng phân bón và nước tưới, giảm hiệu ứng nhà kính trong sản xuất, bảo vệ môi trường, sản phẩm làm ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành nông nghiệp Quảng Nam “sống chung” với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO