Nêu đích danh sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất

25/06/2015 00:00

Pháp luật quy định rõ đất đai sau khi cổ phần hóa phải được thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Nơi nào thay đổi mục đích sử dụng đất trong cổ phần hóa mà...

 

Pháp luật quy định rõ đất đai sau khi cổ phần hóa phải được thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Nơi nào thay đổi mục đích sử dụng đất trong cổ phần hóa mà vi phạm pháp luật về đất đai thì phải nêu đích danh. Nếu cần thiết, sẽ yêu cầu kiểm tra, xử lý sai phạm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo diễn ra vào sáng nay (25/6) với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo, các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước (DNNN).

Cần chỉ rõ đơn vị chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất

Đa số các lãnh đạo DNNN đều khẳng định từ nay tới cuối năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, các DNNN cũng nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện liên quan tới việc xử lý lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tái cơ cấu; việc thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất khi thoái vốn tại công ty liên doanh cũng như trách nhiệm của việc thoái vốn dưới mệnh giá...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho biết: “Qua theo dõi quá trình cổ phần hóa, Bộ KH&ĐT thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, công nghiệp, các nông lâm trường khi thực hiện cổ phần hóa thường được giao quyền sử dụng đất có giá trị thương mại rất cao. Đồng thời, sau cổ phần hóa, một số đơn vị đã thay đổi mục đích sử dụng đất cũng như chuyển trụ sở làm việc, kho bãi sang xây dựng khu phức hợp văn phòng, nhà ở thương mại hay trung tâm thương mại”.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ KH&ĐT đề nghị cần phải làm rõ chuyện cổ phần hóa ở những tập đoàn, tổng công ty có liên quan tới đất đai.

Đề cập nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng “không ngại việc chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa vì đã có cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai (sửa đổi). Khi chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa, một là phải bảo đảm quy hoạch của địa phương, hai là nếu chuyển đổi mục đích thì phải nộp tiền sử dụng đất tương ứng. Vấn đề ở đây là có tính sát giá đất hay không thôi. Ngoài ra, phải xử lý rất cụ thể cùng với đề cao vai trò của địa phương”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trước đây, vấn đề đất đai trong cổ phần hóa DNNN là "đại sự" nhưng Trung ương đã có kết luận rồi. Việc chuyển sang cho thuê đất cũng là giải pháp để thúc đẩy cổ phần hóa và hạn chế tiêu cực.

“Pháp luật quy định rõ đất đai sau khi cổ phần hóa phải được thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Khi chuyển đổi thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu làm đúng, làm nghiêm thì không có vấn đề gì phải quá lo lắng. Nhưng trên thực tế có chuyện này, chuyện kia, nếu không làm chặt chẽ sẽ có kẽ hở. Các công ty nông, lâm nghiệp cũng vậy, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng phải yêu cầu địa phương rà soát đất đai, chỗ nào cho thuê, chỗ nào được giao, chỗ nào thu lại. Nếu ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Nếu nơi nào thay đổi mục đích sử dụng đất sai quy định của pháp luật thì cần phải chỉ đích danh, nếu cần thiết tôi sẽ yêu cầu kiểm tra”, Phó Thủ tướng nói.

Chưa thấy bộ nào kỷ luật người không thực hiện nhiệm vụ

Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng các cơ chế, chính sách ban hành đang phát huy tác dụng, đi đúng hướng, bảo toàn và phát huy giá trị đồng vốn của Nhà nước.

“Tuy nhiên, nhìn chung cổ phần hóa vẫn bị chậm”, Phó Thủ tướng nói và nêu rõ việc chậm trễ là do khi bổ sung cơ chế thì liên quan tới quy trình xây dựng văn bản. Hơn nữa, số lượng DNNN cần cổ phần hóa trong 6 tháng tới còn nhiều (228 DN).

“Nếu không quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cụ thể thì có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ”, Trưởng Ban Chỉ đạo cảnh báo.

Nguyên nhân của tình trạng này, về khách quan là thực tiễn ở mỗi DNNN rất phong phú, cần phải xử lý rất cụ thể. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp bộ, địa phương, người đứng đầu DNNN chưa thực sự quan tâm, “xắn tay” vào tháo gỡ khó khăn.

“Trong cái khó chung, nhiều nơi vẫn làm tốt nhưng có nơi làm chưa tốt, chưa nghiêm. Tôi chưa nghe bộ nào kỷ luật, xử lý ai không thực hiện nhiệm vụ trên giao về cổ phần hóa. Sắp tới phải báo cáo việc này vì thực tiễn là có”, Trưởng Ban Chỉ đạo đưa ra yêu cầu đối với lãnh đạo các bộ, DNNN.

Đốc thúc các bộ phải kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không làm được thì day dứt lắm. Bộ trưởng phải là người xây dựng chính sách”.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các DNNN định kỳ hằng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Chỉ đạo, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu đích danh sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO