Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, các bản tin dự báo nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta. Vậy hiện nay các bản tin này đã và đang được triển khai ra sao?
Ông Hoàng Đức Cường: Nông nghiệp là lĩnh vực gắn liền thời tiết và khí hậu, là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất bởi thiên tai. Chính vì vậy, thông tin KTTV có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, cách đây 76 năm, những bản tin đầu tiên của ngành KTTV chính là các bản tin phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cụ thể là các bản tin phục vụ sản xuất muối và diêm nghiệp. Cho đến nay, thông tin KTTV đang phục vụ một số lượng lớn các đối tượng, lĩnh vực khác nhau trong sản xuất nông nghiệp. Trước hết chúng tôi có các bản tin dự báo dài hạn, dự báo mùa để đưa ra các dự báo sớm về xu thế KTTV giúp các địa phương kịp thời điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, qua đó giảm thiểu được các thiệt hại.
Như đợt hạn mặn 2015 - 2016 và 2019 - 2020 vừa qua, chúng tôi đã đưa ra được các dự báo sớm trước nhiều tháng, các địa phương kịp thời điều chỉnh mùa vụ, cây trồng, qua đó thiệt hại đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chúng tôi có các bản tin chuyên đề, nông vụ. Cụ thể, hằng tuần chúng tôi phát hành các bản tin thông báo khí tượng nông nghiệp và thông báo hạn hán cho các khu vực trên phạm vi toàn quốc. Trong các bản tin này, thông tin về đặc trưng sinh trưởng, mùa vụ của các loại cây trồng, cây lương thực chủ đạo cho từng khu vực như lúa, ngô, lạc hay cây ăn quả có múi được chi tiết hóa, kèm theo đó là các khuyến cáo, tư vấn cách thức chăm sóc theo chu kỳ sinh trưởng và phòng ngừa sâu bệnh ứng với diễn biến thời tiết. Đối với các vùng kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu nông nghiệp lớn như Sơn La, trong 3 năm gần đây, Tổng cục KTTV đã xây dựng những bản tin riêng cho các vùng này. Cụ thể, với Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long, thông tin khí tượng nông nghiệp được chi tiết hóa trong bản tin của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ. Các thông tin này đều được đăng tải và cập nhật hằng tuần trên website của Tổng cục KTTV.
PV: Trong quá trình triển khai các bản tin dự báo phục vụ nông nghiệp, chúng ta đã gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Cường: Ngành nông nghiệp bao phủ rất rộng, từ chăn nuôi, trồng trọt tới thủy sản. Như chúng ta đã thấy, hiện nay thông tin KTTV phục vụ nông nghiệp bước đầu tập trung cho an ninh lương thực (cây lương thực chủ đạo như đã đề cập). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước mở rộng đối tượng phục vụ. Việc mở rộng các đối tượng này đòi hỏi chúng tôi phải lập kế hoạch phân bổ nguồn lực và xây dựng lộ trình hợp lý. Vì vậy, có nhiều khó khăn nhưng khó nhất vẫn là thiếu thông tin cơ sở từ hoạt động sản xuất. Ví dụ như để dự báo tác động cho lĩnh vực chăn nuôi hay thủy sản, cán bộ KTTV cũng cần tìm hiểu chi tiết, cụ thể về đối tượng phục vụ, đặc tính sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi đó, kết hợp với thông tin thời tiết thủy văn, khí hậu, từ đó mới tư vấn chính xác phục vụ bà con.
PV: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo nông nghiệp nói riêng và các dịch vụ KTTV phục vụ cho các lĩnh vực trọng điểm khác, thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ đưa ra các giải pháp gì?
Ông Hoàng Đức Cường:
Để tăng cường hiệu quả dịch vụ nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.
Trước hết là phát triển và triển khai khung dịch vụ khí hậu quốc gia. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của ngành KTTV trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV từ nay đến năm 2030. Khung dịch vụ khí hậu quốc gia là một phần của Khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu (GFCS) do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dẫn đầu, đây là một cơ chế phối hợp cho phép phát triển và cung cấp dịch vụ khí hậu ở cấp quốc gia. Khung quốc gia về dịch vụ khí hậu được thành lập sẽ cải thiện quản lý rủi ro, dự báo, cảnh báo sớm thời tiết và khí hậu nhằm phục vụ cho các ngành nông nghiệp, y tế, giao thông, du lịch.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện quy hoạch lại hệ thống giám sát và cảnh báo thời tiết nông vụ. Với mạng lưới quan trắc cây trồng lồng ghép mạng lưới quan trắc KTTV sẽ giúp cho việc theo dõi sát điều kiện thuận lợi, bất lợi đối với phát triển, năng suất cây trồng.
Chúng tôi cũng tăng cường thông tin cảnh báo, giám sát bão cũng như điều kiện thời tiết xấu trên tất cả các vùng biển. Điều này rất quan trọng vì có thể đảm bảo an toàn đối với hoạt động sinh kế nghề biển, cho phép chúng ta phát triển kinh tế biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!