Văn hóa

Nâng cao chất lương du lịch cộng đồng để giảm nghèo bền vững

Khánh Ly 29/09/2023 - 17:40

(TN&MT) - Làm du lịch cộng đồng cần đưa dịch vụ của khách sạn 5 sao vào nhà dân “không có sao”. Khi thu nhập từ du lịch tăng lên, người dân hiểu rằng khách đến với họ vì cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa thì họ sẽ chủ động giữ gìn và bảo vệ.

Đó là chia sẻ của ông Dương Minh Bình - Giám đốc Công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (CBT Travel) tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”. Ông Bình đã có hơn 10 năm kinh nghiệm xây dựng hàng chục mô hình homestay tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo những điểm nhấn du lịch Việt Nam đặc sắc không chỉ trong nước mà còn thu hút khách quốc tế đến trải nghiệm.

picture5(1).jpg
Không gian ăn uống tại một homestay mang nét đặc sắc địa phương

Du lịch lưu trú tại gia, du lịch cộng đồng hay còn gọi là homestay là hoạt động du lịch có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, nhưng trước đây, đa phần các mô hình tại Việt Nam do người dân tự đứng ra tổ chức mang lại hiệu quả chưa cao.

Chia sẻ công thức tạo dựng thương hiệu du lịch cộng đồng 6E, ông Bình cho biết, các bước gồm: Engage (kết nối), Educate (giáo dục), Empower (nâng cao năng lực), Encourage (thúc đẩy), Earning (thu nhập), Expand (nhân rộng). Thời điểm bắt tay làm homestay năm 2012, ông Bình đã kết nối, tham khảo ý kiến nhiều bên, từ nhà quản lý, nhà khoa học, những người khai thác du lịch, người dân thụ hưởng... để có thể xây dựng phương án sao cho hiệu quả nhất.

Sau khi đã có định hướng, bằng cách tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo, chai sẻ kinh nghiệm, CBT Travel đã truyền cảm hứng và khuyến khích người dân thay đổi tư duy về làm dịch vụ, từ đó, thay đổi cách làm du lịch và nâng cao năng lực cho người dân. “Việc nâng cao thu nhập ngoài sinh kế của người làm homestay là mục tiêu quan trọng nhất của quá trình này. Nếu không làm được thì không thể thuyết phục người dân theo đuổi làm du lịch cộng đồng, sau đó là nhân rộng” – ông Bình cho biết.

picture4.jpg
Cải thiện chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng thu hút du khách

Đặc điểm của mô hình homestay cần đảm bảo: Create (tạo dựng) - Operate (vận hành) - Manage (quản lý) - Sale (kinh doanh). Theo ông Bình, cơ sở homestay dễ tạo dựng vì đó chính là nhà của người dân, vấn đề là phải cải tạo để phù hợp với mục đích cho du khách lu trú. Việc vận hành, quản lý cũng dễ thực hiện vì đó là những vấn đề hàng ngày trong gia đình, chủ yếu là làm sao để du khách cảm thấy thoải mái và hài lòng. Mô hình này dễ kinh doanh do giá cả cạnh tranh, các đơn vị lữ hành dễ dàng lồng ghép vào chương trình của họ, thậm chí giống như tặng không cho du khách.

Homestay cần đảm bảo tiêu chí tiết kiệm đầu tư, bởi ban đầu, người dân không thể bỏ ra quá nhiều tiền. Những người thợ địa phương chỉ dựa trên kết cấu nhà và sửa sang lại, sử dụng vật liệu tre, đá một cách tinh tế, hài hòa với khung cảnh xung quanh, làm các đồ dùng thân thiện môi trường như đèn, vách tường, ống cắm thìa đũa bằng tre, nứa, gỗ...

picture2.jpg
Các vật dụng từ nguyên liệu tre nứa thân thiện với môi trường

Yếu tố bản địa luôn có sức hút với du khách từ nơi khác đến, thậm chí họ sẵn sàng mua các vật dụng đó như đồ lưu niệm. Dù mộc mạc, đơn giản nhưng khách quốc tế rất ưa thích. Có nơi lại đào hồ bơi trước nhà, sử dụng nguồn nước từ trên núi chảy xuống liên tục. Hồ bơi khá nhỏ nhưng cả thế giới đều biết đó là hồ bơi không hóa chất.

Các ngôi nhà sàn được thiết kế lại công năng sử dụng, tách biệt nơi ăn, chỗ ngủ, khu vệ sinh phải sạch sẽ. Gầm nhà sàn cải tạo trở thành quầy bar nhà hàng... Điều quan trọng là dù nhà “không có sao” nhưng dịch vụ phải như khách sạn 5 sao, và phải đào tạo để người dân làm bằng được. Khách bước vào homestay, dù chỉ ngủ một đêm cũng đều được đón tiếp bằng 1 ly nước chè và 1 khăn lạnh. Chỗ ngủ không có côn trùng, màn giường đêm phải sạch sẽ và thoải mái... Quản lý chất lượng dịch vụ, lồng ghép các yếu tố văn hóa qua bộ quy chuẩn một cách đồng bộ.

picture6.jpg
Du khách thưởng thức cà phê tại homestay

Ẩm thực cũng rất cần phải chú trọng nâng cấp hơn. Ông Bình chia sẻ: Trước đây, đi từ Tây Bắc sang Đông Bắc cũng chỉ có lợn luộc và lợn nướng, gà luộc và gà nướng. Chúng tôi đã mời đầu bếp từ khách sạn 5 sao tới nghiên cứu nguyên liệu địa phương để chế biến ra những món ăn mà khách du lịch ăn được, dù là khách Tây, khách ta từ miền Bắc, Trung, Nam chứ không chỉ người dân tộc ở đó.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các mô hình dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sau khi thu nhập của người dân tăng thêm, chúng tôi mới nói với họ rằng khách đến đây để tìm hiểu thiên nhiên và văn hóa nơi họ sinh sống, thiếu một trong hai đều không được. Khi đó, họ hiểu rõ vấn đề hơn và chủ động giữ gìn, bảo vệ, thậm chí hiệu quả vượt hơn cả chính quyền địa phương mong đợi – ông Bình nhấn mạnh.

Ở góc độ những vấn đề người dân không làm được, CBT Travel nghiên cứu và giúp người dân thiết kế trải nghiệm ngay tại địa phương đó, như trèo bè tre, bè, đi xe công nông, đi xây lò cho người dân... các dịch vụ đều phải trả tiền và giúp người dân có thêm thu nhập. Chúng tôi cam kết đồng hành với người dân từ khảo sát, xây dựng, tiếp thị và bán sản phẩm trải nghiệm homestay ra thị trường; kết nối làng du lịch với các điểm tham quan tại địa phương.

picture7.jpg
Du khách trả tiền để trải nghiệm xây bếp cho người dân

Thu nhập tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng dần nâng lên, giúp chuyển hóa cả một vùng đất theo hướng ổn định, an ninh, phát triển vươn lên. Văn hóa địa phương được khôi phục, cơ sở hạ tầng công ích được nâng cấp, tệ nạn xã hội không còn. Điển hình như Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) hay Hang Múa (Mộc Châu, tỉnh Sơn La), từ vùng đất khó khăn, chìm trong tệ nạn ma túy nay trở thành những điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, thay đổi hoàn toàn diện mạo. Người dân được tiếp cận với những tiện nghi mà ông bà họ không thể nào nghĩ tới. Bên cạnh đó, giá trị của vùng đất cũng tăng lên, thu hút các nhà đầu tư đến đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Càng là những nơi khó khăn, những người dân bản địa của các vùng đất ấy càng trân quý sự thay đổi tươi sáng ấy. Và như vây, du lịch cộng đồng mới có thể phát huy vai trò trở thành “cần câu” tạo thêm nguồn sinh kế, góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lương du lịch cộng đồng để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO