Năm hòn đảo Thái Bình Dương biến mất do nước biển dâng

10/05/2016 00:00

(TN&MT) - Theo các nhà nghiên cứu Úc, một phát hiện khoa học đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu trên bờ biển Thái Bình Dương cho biết 5 hòn đảo nhỏ Thái Bình Dương đã biến mất do nước biển dâng và xói mòn.

Những gì còn lại của một trong sáu hòn đảo bị xói mòn một phần ở quần đảo Solomons. Ảnh: HANDOUT / Reuters
Những gì còn lại của một trong sáu hòn đảo bị xói mòn một phần ở quần đảo Solomons. Ảnh: HANDOUT / Reuters

Theo một nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 5 của tạp chí trực tuyến Environmental Research Letters, những hòn đảo bị “nuốt chửng” có kích cỡ từ 1 – 5 ha, thuộc quần đảo Solomon. Đây là quần đảo trong 2 thập kỷ qua đã chứng kiến mực nước biển hàng năm tăng 10mm.

Năm hòn đảo đó là Kakatina, Kale, Rapita, Rehana và Zollies. Chúng biến mất cùng các thảm thực vật.

Các nhà khoa học Úc đã sử dụng hình ảnh trên không và hình ảnh vệ tinh chụp 33 hòn đảo, đá từ năm 1947-2014 cho thấy 11 hòn đảo thuộc quần đảo Solomon đã biến mất hoàn toàn trong nhiều thập kỷ gần đây hoặc trải qua tình trạng bị bào mòn nghiêm trọng do nước biển dâng.

Quần đảo Solomon, một quốc gia được hình thành từ hàng trăm hòn đảo, có dân số khoảng 640 ngàn người, cách phía đông bắc nước Úc khoảng 1.000 dặm.

Một quan chức của quần đảo Solomon cho biết nghiên cứu này đặt ra câu hỏi về vai trò của chính phủ trong việc lập kế hoạch di dời.

Nhà khoa học Albert thuộc đại học Queensland cho rằng quần đảo Solomon được coi là điểm nóng do nước biển dâng cao hơn mức trung bình gấp 3 lần. Hiện tại, các nhà khoa học đang theo dõi 33 hòn đảo khác ở Thái Bình Dương.

“Nghiên cứu trên vừa là lời cảnh báo vừa là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính phủ các nước cần khẩn trương đưa ra các giải pháp môi trường để ứng phó và thích nghi với sự biến đổi trước hiểm họa này để không quá muộn” – ông Albert nhấn mạnh.

Mai Đan
Tổng hợp từ Guardian & France24

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm hòn đảo Thái Bình Dương biến mất do nước biển dâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO