Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Vì hành tinh không 'ô nhiễm trắng'
Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 22/4 hằng năm là Ngày Trái đất với mong muốn khuyến khích tất cả mọi người trên thế giới hiểu về tầm quan trọng và chung tay bảo vệ các giá trị của Trái đất.
Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Planet vs. Plastics” (Trái đất và nhựa) nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.
Chủ động thực hiện giảm nhựa
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi ni lông gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.
Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa.
Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...
Triển khai Kế hoạch, ngày 2/7/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT chính thức phê duyệt, triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ. Dự án được triển khai ở cấp Trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã gồm: Hà Tĩnh, Đồng Hới (Quảng Bình), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân An (Long An), Rạch Giá và Phú Quốc (Kiên Giang).
Dự án được kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa. Cùng với đó là nâng cao năng lực cán bộ về quản lý các hoạt động về rác thải nhựa.
Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos Thụy Sĩ (năm 2019), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết Ý định thư liên quan xử lý rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với nội dung hỗ trợ Việt Nam tham gia sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa. Để thực hiện Chương trình này, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam.
Ngày 7/3/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký Quyết định số 538/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ "Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và tham gia các diễn đàn quốc tế về rác thải nhựa năm 2024" .
Kế hoạch nhằm hỗ trợ và tăng cường hiệu quả hoạt động của các nhóm kỹ thuật được thành lập trong khuôn khổ Chương trình NPAP dựa trên 6 trụ cột chính là đổi mới sáng tạo, tài chính, chính sách, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, truyền thông và nâng cao nhận thức.
Kế hoạch đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trên phạm vi toàn cầu; đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thường trực Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, có trách nhiệm chủ trì đàm phán và tiến tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sau khi được thông qua.
Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, chính sách về môi trường, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực quản lý ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam”.
Dự án bao gồm 2 hợp phần là tăng cường kiểm soát ô nhiễm nhựa thông qua thúc đẩy các hoạt động giám sát ô nhiễm nhựa tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho quá trình quản lý và xây dựng chính sách; tăng cường quản lý chuỗi giá trị chất thải nhựa tại các tỉnh có lưu vực sông được lựa chọn thông qua thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn và các giải pháp sáng tạo để ngăn ngừa chất thải nhựa tại nguồn.
Những kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được cộng đồng ghi nhận, tạo được hiệu ứng lan tỏa thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với rác thải nhựa. Với cách tiếp cận linh hoạt, bài bản, chủ đề bao quát, thúc đẩy sự tham gia chủ động của các đối tác địa phương đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ thể thực hiện, tiếp nhận và duy trì các kết quả đạt được, Dự án tạo nền móng vững chắc và các bài học kinh nghiệm có giá trị để địa phương tiếp tục nhân rộng.
Gần 4 năm qua, Dự án đã làm việc với hơn 160 trường học các cấp xây dựng mô hình "Trường học không rác thải nhựa". Dự án cũng hỗ trợ Ban Quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm...
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ tại tất cả các địa phương tham gia dự án đều có hoạt động tạo thành phong trào làm thay đổi môi trường và mang ý nghĩa nhân văn thông qua việc "biến rác thành tiền" để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng một số giải pháp hiệu quả từ Dự án như điểm tập kết xanh ở Đà Nẵng, phân loại rác tại nguồn ở Tân An (Long An) hay ngư dân mang rác về bờ ở Đồng Hới (Quảng Bình)...Tại Phú Quốc và Thừa Thiên - Huế, gần 60 doanh nghiệp hưởng ứng nỗ lực giảm nhựa thông qua việc thay đổi vận hành hoạt động doanh nghiệp và giáo dục nhân viên.
Trong khuôn khổ Dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” và diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại đương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”.
Dưới sự định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa đã xây dựng và mở rộng mạng lưới tham gia với gần 200 tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Đặc biệt năm 2023, với nguồn dữ liệu từ các thành viên nhóm kỹ thuật và thành viên mạng lưới Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, một bản đồ sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo được xây dựng và tiếp tục cập nhật, hoàn thiện. Trong tổng số 138 chương trình, dự án, sáng kiến về giảm thiểu rác thải và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam hoặc dự án khu vực có hợp phần liên quan Việt Nam đã có 40 sáng kiến đổi mới sáng tạo hoàn thành thử nghiệm.
Chương trình phối hợp với các đối tác hỗ trợ Việt Nam thảo luận định hướng nghiên cứu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng nhựa và rò rỉ rác thải nhựa trên đất liền, trên biển phục vụ quá trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa… Chương trình đã thực hiện và công bố một số các báo cáo quan trọng phục vụ việc giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, bao gồm: Báo cáo Nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam.
Để bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, sự ủng hộ của mỗi người dân trong thực hiện các chính sách về giảm chất thải nhựa là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về cấm xả rác; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần…