Hiện nay, hợp tác xã Na Sang có khoảng 171ha dứa, với 63 hộ gia đình tham gia. Dứa được trồng thành một vùng tập trung và được trồng theo đúng các quy trình nghiêm ngạt theo chuẩn Vietgap. Sản phẩm Dứa Na Sang đã được chứng nhận sản phẩm Dứa an toàn, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.
Anh Lý A Phòng, Phó giám đốc Hợp tác xã Dứa Na Sang cho biết: Hiện nay, đa phần người trồng dứa Mường Chà sử dụng giống dứa Queen (dứa hoàng hậu) đây là giống Dứa có hệ số nhân giống cao (trung bình từ 4 - 6 chồi/cây), có thể chịu bóng râm dưới tán cây, thịt quả giòn, có màu sắc bắt mắt, hương thơm và vị ngọt đậm đà. Từ những ưu điểm nổi trội của quả Dứa Mường Chà. Những năm gần đây, Dứa Mường Chà được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, những quả Dứa được trồng ở Na Sang nay được chính người trồng mặc thêm áo với thương hiệu Dứa sạch Na Sang, sản phẩm này hiện được bán với giá trung bình 6000đ/kg. Có đầu ra ổn định thay vì được bán với ra cao hơn nhưng đầu ra bấp bênh khi chưa được xây dựng thương hiệu.
Anh Hà Thái Sơn, một nhà thu mua Dứa của Mường Chà từ những năm đầu tiên nhân dân xã Na Sang, huyện Mường Chà triển khai trồng Dứa. Trung bình mỗi năm sản phẩm Dứa Mường Chà được anh Sơn đưa về Thành phố Sơn La bán khoảng trên dưới 100 tấn. Anh Sơn chia sẻ: Nhiều năm thu mua Dứa ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa về bán tại Sơn La, nhưng Dứa ở các tỉnh này không đẹp mã và không có chất lượng ngon như Dứa Mường Chà của tỉnh Điện Biên, đặc biệt là hiện nay, Dứa Mường Chà đã được công nhận đạt các tiêu chuẩn nông sản sạch theo chuẩn Vietgap, đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng, nên mặc dù chi phí vận chuyển có cao hơn, nhưng anh Sơn vẫn chọn sản phẩm Dứa Mường Chà, chuyển về bán tại Sơn La.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: So với các loại cây trồng khác, như ngô, lúa, đậu tương… Cây Dứa đem lại thu nhập cao hơn và dễ trồng, dễ chăm sóc. Đặc biệt, vụ dứa năm nay, giá cao nên người dân đã mở rộng diện tích trồng dứa, diện tích tăng, là vấn đề khiến chính quyền xã khá băn khoăn. Do vậy, UBND xã vận động người dân phải đa dạng hóa cây trồng, không nên tập trung trồng quá nhiều dứa nhằm đảm bảo hướng phát triển lâu dài và bền vững. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ trồng dứa trên địa bàn thành lập hợp tác xã sản xuất dứa, mang tên hợp tác xã Na Sang.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà: Sản xuất Dứa đúng quy trình kỹ thuật hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh. Vì chủ động được công tác phòng chống dịch bệnh đã hạn chế được các loại dịch bệnh đối với cây trồng nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Dứa, năng suất canh tác theo chuẩn Vietgap tăng từ 30 - 50% so với canh tác truyền thống, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Việc xây dựng vùng sản xuất dứa nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người dân có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc chú trọng chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Với khí hậu thổ nhưỡng tương đối phù hợp nên dứa Mường Chà có vị ngọt đậm, chắc quả, được thị trường ưa chuộng. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây dứa đem lại so với những cây trồng khác, người dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên không ngừng mở rộng diện tích trồng Dứa. Từ vài héc ta ban đầu, đến nay diện tích Dứa của huyện Mường Chà đã tăng lên 170ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Na Sang và Sa Lông. Với vài hecta người trồng dứa ở đây đã thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.