Theo đó, từ khi có được chủ trương đầu tư doanh nghiệp phải trải qua “Bốn cửa lớn”. Đó là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng.
Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, quá trình giải quyết các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư phát triển nhà ở là một chuỗi liên hoàn các công việc. Chỉ cần một mắt xích nào đó trong chuỗi liên hoàn gặp vướng mắc sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ thời gian của dự án bị chậm lại làm mất cơ hội đầu tư và nản lòng các nhà đầu tư phát triển.
Mặt khác trong mỗi cửa lớn nêu trên còn rất nhiều cửa phụ phải làm đó là việc xin cấp chỉ giới đường đỏ, số liệu hạ tầng kỹ thuật có liên quan, thỏa thuận phòng cháy, chữa cháy, môi trường, đầu nối cấp điện, nước sạch, an toàn bay…
Đó là chưa kể đến hiện tượng cán bộ hành chính nhà nước câu giờ, “đá bóng” vòng quanh, đùn đẩy trách nhiệm làm cho dự án bị chậm lại. Thêm vào đó là sức ép từ việc Nhà nước rà soát, kiểm tra, siết chặt việc cấp phép đối với các dự án mới.
Các dự án có dấu hiệu chưa tuân thủ đúng pháp luật khiến các cơ quan quản lý nhà nước chững lại trong việc phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng mới.
Câu chuyện về thủ tục hành chính luôn là nỗi ám ảnh các doanh nghiệp bất động sản. |
Ông Bùi Khắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex Xuân Mai chia sẻ, “ đầu tư một dự án đầu tư bất động sản có giá trị trên ngàn tỷ. Để làm được dự án này thì mỗi đơn vị phải xây dựng kế hoạch nhiều năm, chuẩn bị nhiều nguồn lực, vật lực, vốn chủ sở hữu. Nếu không lên được kế hoạch thì rất khó triển khai. Nhưng những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến quá trình thực hiện không thể theo được kế hoạch vì bị chậm trễ hơn rất nhiều”.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, những thống kê trên đây khá cụ thể và tương đối đầy đủ. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn phải đối diện với rất nhiều vướng mắc và cần có phương án xử lý.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đã nhìn nhận thấy vấn đề và trong thời gian tới các Bộ, ngành sẽ có phương án sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai để giải quyết cơ bản những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.