Mực nước tăng nhẹ, ĐBSCL có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt

Thúy Hằng| 17/09/2020 14:19

(TN&MT) - ​​​​​​​Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Dựa trên các thông tin dự báo về mưa và dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công nửa cuối tháng 9/2020, dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo sẽ tăng nhẹ lên mức 15.000 m3/s.

Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này trong cuối tháng 9/2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 41%.

Dòng chảy tới đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Ảnh minh họa

Dự báo mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu trong giai đoạn nửa cuối tháng 9/2020 sẽ đạt khoảng 2,5 m, thấp hơn giá trị TBNN cùng kỳ 0,5m; thấp hơn mức báo động cấp I khoảng 1,0 m.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, từ 0,2 đến 0,4m. ĐBSCL có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt.

Các chuyên gia về ĐBSCL cho rằng, lượng nước ở khu vực này phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa ở phía thượng nguồn trong lưu vực sông Mê Công, trong đó đặc biệt là lượng mưa ở phía tả ngạn con sông này, phần thuộc Lào.

Vẫn theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đầu tháng 9/2020, lượng mưa vùng Hạ lưu vực sông Mê Công bị sụt giảm mạnh thấp hơn cả tháng 8/2020, ở mức khoảng 70% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, lượng mưa có xu thế sụt giảm nhẹ hơn về phía hạ du, tới vùng Châu thổ sông Mê Công sụt giảm chỉ còn 23% so với TBNN.

Do mưa ít, nên chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công đầu tháng 9/2020 vẫn ở mức thấp. Theo số liệu quan trắc tại trạm Chiềng Sẻn, mực nước nửa đầu tháng 9/2020 duy trì trong khoảng từ 3,0 đến 4,0 m, thấp hơn TBNN khoảng 1,5m; đến giữa tháng 9 đạt xấp xỉ với cùng kỳ năm 2019; và vẫn còn thấp hơn mực nước báo động lũ cấp I khoảng 8 m.

Còn tại trạm Chiềng Sẻn đầu tháng 9/2020 dao động trong khoảng từ 1.600 đến 2.500 m3/s. Tổng lượng dòng chảy đầu tháng 9/2020 đạt khoảng 2,7 tỷ m3, tương đương với 57% so với TBNN và lớn hơn 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu quan trắc tại trạm Kra-chê (Campuchia), mực nước nửa đầu tháng 9/2020 bị sụt giảm mạnh, giảm từ 15,0 xuống 11,5m, thấp hơn TBNN khoảng 6,5 m và mực nước cùng kỳ năm 2019 khoảng 5 m; thấp hơn mức nước lũ báo động lũ cấp 1 khoảng 10 m. Tổng lượng dòng chảy đầu tháng 9/2020 thấp chỉ đạt khoảng 40% so với TBNN và thấp hơn 73% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với xu thế mực nước thấp ở thượng lưu, mực nước lớn nhất đầu tháng 9/2020 tại trạm Tân Châu dao động trong khoảng từ 1,3 đến 2m và ở mức thấp hơn TBNN khoảng 1,6m, và thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 là 1,8m.

Lưu lượng dòng chảy tại trạm Tân Châu và Châu Đốc có xu thế giảm, tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc đầu tháng 9/2020 chỉ đạt khoảng 60% của TBNN, và thậm chí thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 13.000 m3/s.

Qua quan trắc cho thấy, tổng lượng lũ về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 và mực nước đầu tháng 9/2020 thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi năm 2019, vào thời kỳ này lại đón một đợt lũ khá lớn với tổng lượng lũ về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức trung bình và mực nước cao hơn TBNN khoảng 0,4 m.

(Nguồn: Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mực nước tăng nhẹ, ĐBSCL có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO