Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp

Theo TTXVN/Báo Tin tức 02/10/2024 - 17:21

Mực nước biển dâng cao đang gây ra mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này và chúng ta có thể ứng phó như thế nào?

Chú thích ảnh
Băng trôi gần đảo Kulusuk, Greenland. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức), mực nước biển dâng cao đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống trên hành tinh, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Câu hỏi đặt ra là: Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này?

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng “đại dương đang tràn bờ” trong chuyến thăm Tonga gần đây, chỉ ra rằng nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương, đang phải đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao. Theo các nghiên cứu, mực nước biển toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ đầu thế kỷ 20, với tốc độ ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Từ năm 1880 đến nay, mực nước biển đã dâng cao hơn 20 cm, và các nhà khoa học dự đoán nếu không có biện pháp ngăn chặn, mức nước có thể tăng thêm từ 38 cm đến 56 cm vào năm 2100.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các đảo nhỏ mà còn đe dọa gần 40% dân số thế giới sống gần các khu vực ven biển, với khoảng 900 triệu người đang sinh sống trong những khu vực dễ bị tổn thương. Những thành phố lớn như Cairo, Lagos, Los Angeles, Mumbai và London đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến xói mòn bờ biển, ngập lụt và bão tàn phá.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng mực nước biển là hiện tượng nóng lên toàn cầu, chủ yếu do sự gia tăng khí nhà kính trong khí quyển. Các khí như carbon dioxide và mê-tan từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm nhiệt độ đại dương tăng lên. Từ năm 1970, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng khí thải từ sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ đại dương năm 2023 được ghi nhận là mức cao nhất từ trước đến nay, làm cho nước biển giãn nở và tăng thể tích. Bên cạnh đó, sự tan chảy của băng ở Nam Cực và Greenland cũng góp phần làm mực nước biển dâng cao. Trung bình, mỗi năm có khoảng 150 tỷ tấn băng từ Nam Cực và 270 tỷ tấn từ Greenland bị mất do nhiệt độ tăng.

Các báo cáo gần đây còn cảnh báo về “điểm tới hạn” của khí hậu, khi mà nhiệt độ toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C có thể dẫn đến sự tan chảy không thể đảo ngược của các tảng băng lớn, gây ra tác động nghiêm trọng đến mực nước biển. Những khu vực như đồng bằng châu thổ ven sông và các khu vực ven biển của các nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao.

Để đối phó với mực nước biển dâng cao, điều cần thiết là giảm nhanh chóng lượng khí thải. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là sự gia tăng mực nước biển ở một mức độ nào đó là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi thế giới ngừng phát thải khí nhà kính ngay lập tức, vẫn sẽ có độ trễ trong việc tác động của nóng lên toàn cầu đến nhiệt độ đại dương và băng tan.

Các quốc gia trên toàn cầu đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thích ứng. Một số biện pháp đơn giản và dựa vào thiên nhiên bao gồm ngăn chặn xói mòn bờ biển bằng cách tái sinh rừng ngập mặn ở Cameroon hoặc xây dựng các bức tường chắn sóng biển ở Senegal. Đối với những khu vực dễ bị tổn thương như các đảo nhỏ, nhiều nơi đã thực hiện các giải pháp cực đoan hơn như di dời dân cư lên các vùng đất cao hơn như ở ở Fiji hoặc xây dựng các thành phố nổi ở Maldives và lấn biển ở Tuvalu.

Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó với tình trạng này cũng rất quan trọng. Những giải pháp toàn cầu cần được thực hiện đồng bộ và khẩn trương để bảo vệ không chỉ các cộng đồng ven biển mà còn cả môi trường sống của con người trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO