Mù Cang Chải trồng 200ha Sơn Tra vào rừng tự nhiên nghèo kiệt

29/08/2018 14:37

(TN&MT - Năm 2018 huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) được giao kế hoạch trồng mới 200 ha rừng chủ yếu là diện tích sơn tra trồng vào rừng tự nhiên nghèo kiệt giúp tăng độ che phủ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Mù Cang Chải trồng 200ha Sơn Tra vào rừng tự nhiên nghèo kiệt góp phần nâng cao độ che phủ, nâng cao thu nhập cho người dân
Mù Cang Chải trồng 200ha Sơn Tra vào rừng tự nhiên nghèo kiệt góp phần nâng cao độ che phủ, nâng cao thu nhập cho người dân

Trong những năm gần đây, quả sơn tra được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do có nhiều công dụng và chữa các loại bệnh như: Khó tiêu, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, mạch vành…và chế biến thành siro, rượu, mứt. Mỗi năm hàng vạn tấn quả bà con thu hái, được các thương lái đánh thu mua.  Năm 2016, quảsơn trađã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với tên gọi “ Sơn Tra Mù Cang Chải”.

Vài năm gần đây, giá bán Sơn Tra ổn định ở mức cao, giá trung bình khoảng 20 – 30 nghìn đồng/kg. Nhờ trồng cây sơn tra mà hàng nghìn hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn.

Tranh thủ điều kiện thuận lợi những ngày này ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo người dân các bản khẩn trương triển khai công tác trồng rừng và phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

Người dân bản Ma Lừ Thàng xã Dế Su Phình, huyện Mù Cang Chải đi nhận cây giống trồng rừng. Để đảm bảo diện tích rừng trồng mới sinh trưởng phát triển tốt. Năm 2018 ngoài việc thực hiện tốt công tác thiết kế, cuốc hố tại những địa điểm trồng rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã đưa giống cây sơn tra được gieo ươm, chăm sóc 2 năm tuổi vào trồng. Mặc dù hầu hết các điểm trồng rừng khá xa, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, sau khi nhận cây giống hầu hết các hộ dân đều vận chuyển đến đúng nơi trồng và phấn đấu hoàn thành trồng xong diện tích được giao.

Anh Lý A Khua - Bản Ma Lừ Thàng xã Dế Su Phình chia sẻ: Nhân dân trong bản năm nay trồng rừng vào đất nghèo kiệt được giao là 18ha. Trong đó có 67 hộ tham gia, 140 vận chuyển cây giống, trồng cây sơn tra mang lại hiệu quả cho người dân, tăng độ che phủ của rừng nên người dân ủng hộ lắm.

Xã Dế Su Phình là xã vùng cao đời sống nhân dân còn khó khăn, với địa hình đồi núi dốc. Những năm trước đây, nhiều diện tích đất không canh tác được chủ yếu bị bỏ hoang hay được người dân canh tác lúa nương. Do vậy đời sống của người dân vùng cao rất khó khăn, tình trạng thiếu đói, phá rừng vẫn diễn ra, bên cạnh đó diện tích rừng nghèo kiệt không được trồng bổ sung nên tỷ lệ rừng rất thấp. Từ khi cây sơn tra được coi là cây đa tác dụng vừa là rừng phòng hộ vừa mang lại kinh tế, đến nay người dân đã quan tâm bảo vệ và phát triển. Năm 2018 xã Dế Su Phình phấn đấu hoàn thành diện tích gần 45 ha đưa diện tích cây sơn tra của xã lên trên 220 ha.

Phó chủ tịch UBND xã Dế Su Phình - Ông Chang A Sồng phấn khởi nói: Hiện nay người dân trong xã không cần tuyên truyền vận động nhiều, chỉ cần nói cho mọi người hiểu hiệu quả của trồng cây sơn tra, từ đó người dân sẽ tự trồng. Trong năm 2018, với kế hoạch trồng sơn tra vào diện tích rừng nghèo kiệt người dân cũng ủng hộ và tự giác trồng.

Năm 2018 huyện vùng cao Mù Cang Chải được giao kế hoạch trồng 200 ha rừng, 100% diện tích được trồng cây sơn tra xen ghép vào rừng rừng tự nhiên nghèo kiệt. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2018, ngoài việc chuẩn bị tốt nguồn cây giống để đảm bảo diện tích cây sơn tra sinh trưởng và phát triển tốt, đội ngũ cán bộ, kỹ sư ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã xuống các thôn bản hướng dẫn nhân dân kỹ thuật làm đất, kỹ thuật trồng.

Anh Nguyễn Anh Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải cho biết: Sau khi có danh sách Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương, khảo sát hiện trường, lập hồ sơ, thiết kế và trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Năm nay trồng cây sơn tra theo đề án, huyện đưa giống cây Sơn Tra 2 năm tuổi lên trồng. Trồng với mật độ 660 cây/1ha vào rừng tự nhiên nghèo kiệt, diện tích rừng bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại đầu năm 2016. Dự kiến kế hoạch trồng rừng năm 2018, Ban quản lý cùng với xã thực hiện trong tháng 8/2018.

Với cơ cấu giống chủ yếu là cây sơn tra, huyện vùng cao Mù Cang Chải đang nỗ lực, quyết tâm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đồng thời góp phần nâng độ che phủ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mù Cang Chải trồng 200ha Sơn Tra vào rừng tự nhiên nghèo kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO