Chia sẻ về quan điểm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, bà Mai Kim Liên cho biết, đây là ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển quốc gia. Ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược, chính sách phát triển đất nước.
Những năm qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) năm 2015, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, thực hiện quy định của COP21 và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị COP26, hòa chung với xu thế của thời đại, mặc dù, là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế và phải chịu nhiều tác động vô cùng nghiêm trọng của BĐKH, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Điều đó được thể hiện qua cam kết của Việt Nam về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; tham gia Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, tham gia Tuyên bố Glassgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất...
Tại buổi làm việc, bà Tredene Dobson bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao đối với các cam kết của Việt Nam tại COP26 và hy vọng đây sẽ là khởi đầu của một chuỗi các cuộc họp giữa hai bên trong thời gian tới, nhằm triển khai các nội dung hợp tác hai bên cùng quan tâm.
New Zealand có thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo với 85% năng lượng của quốc gia đến từ nguồn này. Về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đều là thành viên Liên minh Nông nghiệp toàn cầu nên có nhiều tiềm năng phát triển hợp tác trong tương lai.
Liên quan tới tài chính khí hậu, tại hội nghị COP26, New Zealand tuyên bố hỗ trợ 1,3 tỷ Đô la New Zealand cho các quốc gia trong giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, 50% dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, phần còn lại cho các quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Châu Phi… Hiện nay, New Zealand đang xây dựng Chiến lược tài chính khí hậu quốc tế với một số mục tiêu như: tăng cường năng lực thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy thích ứng dựa vào thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cho các quốc gia, tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển khác thông qua tài chính khí hậu tư nhân. Tại buổi làm việc, bà Tredene Dobson bày tỏ mong muốn nhận được đóng góp ý kiến của Cục Biến đổi khí hậu đối với Dự thảo Chiến lược này.
Thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa hai bên, bà Mai Kim Liên bước đầu đưa ra một số đề xuất với phía New Zealand như: hỗ trợ triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, NDC cập nhật của Việt Nam; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP); chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt, liên quan đến nhiệm vụ xây dựng chính sách; hỗ trợ đào tạo cho cán bộ và sinh viên Việt Nam trong các lĩnh vực có liên quan đến tài chính khí hậu, xây dựng và hoạch định kế hoạch, chính sách vĩ mô để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh; hỗ trợ các hoạt động nhằm phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.