Báo cáo từ cục thống kê các tỉnh, thành miền Trung cho biết, Quý I/2020, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động của tất cả các tỉnh thành miền Trung đều tăng so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đồng loạt giảm. Cụ thể, tại TP. Đà Nẵng, có đến 923 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; tại tỉnh Quảng Trị, có 74 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 23,33% so với cùng kỳ.
Nhiều DN tại Đà Nẵng phải cắt giảm lao động. |
Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ 2019 cả về số lượng và tổng vốn, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể cũng tăng tới 21% so với cùng kỳ.Những con số này cho thấy tình hình khó khăn chung của các DN ở địa phương.
Ông Phạm Gia Định, Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú (Khu công nghiệp Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay công ty có khoảng 1.100 công nhân, dịch bệnh COVID-19 Công ty ảnh hưởng nặng nề, hiện cho hơn 50% công nhân nghỉ việc, hoặc giảm ca và giảm ca. Mặc dù cho nghỉ nhưng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, công đoàn của công nhân cũng được đảm bảo.
Trong lĩnh vực thương mại, ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, Công ty hoạt động đa lĩnh vực với hơn 600 cán bộ công nhân viên. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Công ty đã cho 50% người lao động nghỉ việc.
“50% người lao động nghỉ việc sẽ được hưởng lương cơ bản và đảm bảo các quyền lợi lao động khác như đóng bảo hiểm xã hội, quyền lợi công đoàn… Công ty quyết tâm cầm cự giữ thu nhập ổn định cho cán bộ, nhân viên, người lao động hết tháng 4/2020, nếu sau đó tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì sẽ có những điều chỉnh lại cho hợp lý”.
Các DN đều khẳng định nỗ lực đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. |
Ông Trương Công Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch- dịch vụ Việt Trung (Thừa Thiên Huế) cho biết công ty chịu ảnh hưởng kép ở cả lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Hiện Công ty chỉ còn duy trì hoạt động giáo dục – dạy học trực tuyến với 10 nhân viên chính thức mức lương vẫn không giảm, nhưng số lượng học viên bị giảm tới 70%.
Dự báo vào quý II/2020 các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp công nghiệp hay thương mại, dịch vụ; doanh nghiệp còn hoạt động hay đang “chựng lại” do COVID-19 đều khẳng định nỗ lực đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Công ty TNHH Bình Vinh (TP. Đà Nẵng), ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty chia sẻ hoạt động trong lĩnh vực vận dịch vụ vận tải, hiện mọi hoạt động của công ty gần như đứng lại, tuy nhiên công ty vẫn duy trì số lượng lao động.
“Công ty vẫn đảm bảo mức lương cơ bản, các phúc lợi của người lao động đi kèm. Vì người lao động sẽ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi dịch COVID-19 đi qua”, ông Bình chia sẻ.
Được biết, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng cũng đã có kiến nghị lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho phép dùng ngân sách công đoàn thành phố trợ cấp khó khăn cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ, điều kiện chi để không mất cân đối...
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty PTSC Quảng Ngãi cho rằng dịch bệnh sẽ qua đi, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên, khi dịch đi qua thì yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có “bật đứng dậy” và nhanh chóng quay trở lại được “đường đua” thị trường hay phụ thuộc vào người lao động.
“Vì vậy, dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì việc làm cho 100% lao động (khoảng 800 người). Hiện Công ty đang cố gắng tìm kiếm lĩnh vực mới để bù đắp những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng”, ông Phạm Văn Hùng chia sẻ.