Chuyển đổi số giúp công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển, đồng thời đóng góp vào mục tiêu bảo vệ và duy trì một môi trường xanh, sạch và bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và kinh doanh không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp, nhất là trong công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không phải là một con đường trải đầy hoa hồng. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chật vật khi đứng trước thách thức này, đặc biệt khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về chiến lược và lộ trình.
Để làm rõ hơn những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số thành công và tránh bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Trần Kiên Dũng, chuyên gia ILO và Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam.
- PV: Thưa ông, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến nhiều ngành nghề, chúng ta không thể phủ nhận việc bắt kịp xu hướng này là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Theo ông, những yếu tố nào là quan trọng nhất để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển đổi số thành công và tránh bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu?
- Ông Trần Kiên Dũng: Từ góc nhìn của tôi, trước khi nói về chuyển đổi số trong sản xuất và nhà máy thông minh, chúng ta cần nhận thức rằng khái niệm chuyển đổi số đã xuất hiện từ lâu và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ, trong ngành giải trí, các nền tảng như Netflix, Spotify đã gần như thay thế hoàn toàn các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực này. Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Amazon, phương thức mua sắm truyền thống đã bị thay thế hoàn toàn, trở thành xu hướng không thể đảo ngược.
Ngành sản xuất cũng vậy, những doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng chuyển đổi số thành công và gặt hái được nhiều lợi ích như: sản phẩm tốt hơn, thời gian sản xuất ngắn hơn, năng suất cao hơn, chất lượng vượt trội và giá thành giảm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Những doanh nghiệp không bắt kịp xu hướng này sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội chuyển đổi số trong khi các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới đã đi trước một bước, kết quả sẽ giống như một chiến binh mang vũ khí thô sơ ra trận đấu với một đội quân tinh nhuệ - cơ hội chiến thắng là vô cùng mong manh.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những suy nghĩ nghiêm túc và dù cần thận trọng, nhưng cũng phải hành động ngay để bắt tay vào chuyển đổi số, nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua phát triển.
- PV: Có không ít ý kiến cho rằng, nếu áp dụng ngay chuyển đổi số mà không có nền tảng vững chắc, doanh nghiệp có thể sẽ gặp thất bại và mất tiền. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để có thể bắt đầu quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả, tránh những sai lầm phổ biến, đạt được những kết quả khả thi trong ngắn hạn, thưa ông?
- Ông Trần Kiên Dũng: Mới đây, tôi có làm việc với một doanh nghiệp và đưa ra đề xuất về chuyển đổi số. Lúc đó, tôi nghĩ họ đã sẵn sàng bước vào quá trình này, nhưng phản hồi tôi nhận được lại khiến tôi phải suy nghĩ lại. Họ cho biết cách đây 1 - 2 tháng, khi gặp một số chuyên gia, những người này cho rằng doanh nghiệp chưa đủ điều kiện cho chuyển đổi số, và nếu áp dụng ngay thì chỉ khiến doanh nghiệp tốn tiền, bởi đã có không ít trường hợp thất bại trong việc chuyển đổi số.
Từ góc nhìn của tôi, có lẽ chúng ta cần làm rõ lại khái niệm "chuyển đổi số". Một doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo cách truyền thống, thủ công, mà ngay lập tức áp dụng công nghệ chuyển đổi số mà không có nền tảng quản trị vững chắc và đội ngũ nhân sự phù hợp, thì quả thật chưa phù hợp.
Nhiều người vẫn nghĩ chuyển đổi số là việc phải thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, số hóa hoàn toàn quy trình và phương thức sản xuất, nhằm mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Để làm được điều này, đương nhiên sẽ cần một khoản đầu tư lớn và một lộ trình dài hơi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyển đổi số có thể bắt đầu từ một bước đi nhỏ hơn như việc số hóa dữ liệu, sau đó tiến tới số hóa các quy trình sản xuất và quản trị, cuối cùng là thay đổi mô hình kinh doanh. Với cách tiếp cận này, càng bắt đầu sớm càng tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bước vào lộ trình chuyển đổi số một cách dần dần, phù hợp với năng lực của mình.
Vấn đề lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp Việt Nam là nhiều người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Họ vẫn tưởng tượng chuyển đổi số là việc tự động hóa toàn bộ nhà máy, không cần ánh sáng, không cần người lao động, và chỉ cần một vài người ngồi trước màn hình điều khiển.
Tuy nhiên, đó là một viễn tưởng xa vời và không thực tế. Chúng ta không nên đặt mục tiêu như vậy, mà thay vào đó, hãy tiến hành chuyển đổi số một cách thực tế và khả thi.
- PV: Trong quá trình chuyển đổi số, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công ngay từ những bước đầu tiên. Theo ông đánh giá, những yếu tố cụ thể nào doanh nghiệp cần chú trọng để đảm bảo lộ trình chuyển đổi số đạt được kết quả khả thi và bền vững?
- Ông Trần Kiên Dũng: Tôi có đọc một bài viết về chuyển đổi số. Theo quan điểm của tác giả bài viết này, điều quan trọng nhất và cũng là bước đi đầu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến chuyển đổi số là xây dựng chiến lược chuyển đổi số rõ ràng. Doanh nghiệp cần có một cái nhìn tổng thể về tương lai của mình, một bức tranh "Big Picture" - trong ngành của họ, ai đã thành công và thành công ấy đến từ đâu? Những yếu tố nào giúp các doanh nghiệp thành công và ngược lại, đâu là nguyên nhân thất bại?
Sau khi đã có cái nhìn tổng quan về bức tranh dài hạn, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với từng giai đoạn, xác định mục tiêu rõ ràng cho từng bước đi, và tìm ra các giải pháp tương ứng cho từng giai đoạn đó. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể thực hiện các bước đi cụ thể.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những câu chuyện thành công lẫn thất bại trong chuyển đổi số. Và theo góc nhìn của tôi, không có công thức cho sự thành công, nhưng chắc chắn có công thức cho thất bại.
Khoảng 80% các doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số do quyết định vội vàng, thiếu chiến lược và lộ trình rõ ràng. Ngoài yếu tố chiến lược và lộ trình, các vấn đề khác cũng rất quan trọng. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có các giải pháp công nghệ phù hợp, đồng thời không thể thiếu sự đầu tư tài chính.
Hơn nữa, con người vẫn luôn là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Cần có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, được đào tạo bài bản, có tâm huyết với doanh nghiệp và am hiểu về chuyển đổi số. Đó chính là những yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số.
Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp không chỉ cải thiện năng suất và giảm chi phí, mà còn có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, việc ứng dụng công nghệ mới như tự động hóa và AI trong sản xuất không chỉ giúp tăng cường hiệu quả mà còn góp phần vào việc giảm lượng rác thải, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải CO2.
Việc áp dụng các giải pháp công nghệ xanh và bền vững sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường mà còn tuân thủ các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt từ chính phủ và các tổ chức quốc tế. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể trở thành những “người tiên phong” trong việc kết hợp giữa sản xuất hiện đại và bảo vệ hành tinh, mở ra cơ hội lớn trong việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững.
- PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!