Đình chỉ hoạt động đào bới, san ủi đất trái phép tại tiểu khu 15, thị trấn Hát Lót. |
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện 1 máy xúc do anh Hà Văn Sơn (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn) điều khiển có hành vi san ủi đất; 1 ô tô do anh Lường Văn Ngoan (xã Yên Sơn, huyện Yên Châu) điều khiển đang vận chuyển đất đi nơi khác.
UBND huyện Mai Sơn đã giao Đoàn liên ngành tiếp tục xác minh, làm rõ khối lượng đất đào được vận chuyển đi đâu, mục đích sử dụng là gì? |
Đoàn đã yêu cầu 2 chủ phương tiện dừng ngay hoạt động đào, xúc, vận chuyển đất trái phép; lập biên bản vi phạm, tạm giữ 2 phương tiện; làm việc với UBND xã cùng các cá nhân có liên quan để làm rõ vụ việc.
Qua xác minh, khoảng 8h ngày 17/11, 2 chủ phương tiện được thuê vào xúc đất từ 8h đến khoảng 9h30 thì bị tổ công tác phát hiện, yêu cầu dừng hoạt động. Khu vực đất có hoạt động san gạt thuộc hộ gia đình, cá nhân đã được cấp GCNQSDĐ.
Đình chỉ vụ việc đào bới, san ủi đất trái phép tại xã Cò Nòi. |
Trước đó, ngày 9/11, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện, đình chỉ vụ việc đào bới, san ủi đất trái phép tại bản Bó Hạc, xã Cò Nòi.
Thời điểm kiểm tra, ông Phạm Văn Dũng (chủ máy xúc) cho biết, được ông Lò Văn Huồm (bản Bó Hạc, xã Cò Nòi) nhờ đào xúc đất, san gạt để lấy mặt bằng trồng rau kết hợp chăn nuôi, ông Huồm trả tiền công, xăng dầu thông qua thỏa thuận không có hợp đồng; ông Dũng bắt đầu thực hiện đào xúc đất và san gạt từ ngày 7/11 đến khoảng 11h ngày 9/11. Đoàn kiểm tra đã đình chỉ hành vi vi phạm; lập biên bản vi phạm hành chính; tạm giữ 1 máy xúc tại UBND xã Cò Nòi.
Máy xúc tạm giữ tại UBND xã Cò Nòi. |
Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Với các trường hợp vi phạm trên, UBND huyện đã giao Đoàn liên ngành tiếp tục xác minh, làm rõ khối lượng đất đào được vận chuyển đi đâu, mục đích sử dụng. Trên cơ sở đó, củng cố hồ sơ, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm (nếu có).
Tuy nhiên, hiện nay, Mai Sơn đang vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm là hủy hoại đất hay khai thác khoáng sản trái phép. Nguyên nhân do những năm gần đây, nhu cầu san gạt, cải tạo mặt bằng để sử dụng đất vào mục đích đất ở hoặc cải tạo đất nhằm thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất diễn ra ở hầu hết các bản, xã, huyện miền núi. Quá trình cải tạo có phát sinh một khối lượng đất, đá thải (khoáng sản) mà chưa có quy định cụ thể để giải quyết khối lượng đất đá thải trên.
Trong khi, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, việc khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì không phải cấp phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình dốc, khi thực hiện cải tạo mặt bằng phát sinh khối lượng đất, đá sau cải tạo tương đối lớn, hộ gia đình, cá nhân không sử dụng hết muốn đem bán hoặc cho thì chưa có thủ tục hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, người vi phạm thường không thừa nhận hành vi khai thác khoáng sản mà chỉ thừa nhận có hành vi đào đất nhằm mục đích đào ao thả cá, làm ruộng, trồng cây… nên không đủ căn cứ để xử lý các đối tượng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Chính quyền các xã chưa thường xuyên nắm bắt địa bàn, chưa quyết liệt trong xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhất là trong việc người dân tự ý đào xúc đất, sử dụng đất sai mục đích.
Thời gian tới, UBND huyện đang giao Phòng TN&MT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai, khoáng sản đến toàn thể nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân. Tăng cường phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn rà soát và thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kịp thời giải tỏa, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Duy trì thường xuyên hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ ban đầu.
Được biết, từ đầu năm tới nay, huyện Mai Sơn đã kiểm tra, xử lý vi phạm với 4 trường hợp đào múc đất, san gạt cải tạo mặt bằng không đúng quy định.