Biến đổi khí hậu

Long An: Chủ động phòng, chống thiên tai 2024

Bạch Thanh 03/07/2024 - 18:33

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út vừa ký ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 với mục tiêu chủ động phòng ngừa và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

h1.jpg
Long An chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa năm 2024

Theo đó, UBND tỉnh Long An giao cho Sở NN&PTNT là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn để công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, cứu hộ cứu nạn được kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, tổ chức rà soát phương án phòng, chống ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định các điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ...

Đối với các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương có nhiệm vụ phối hợp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra; tổ chức phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng, đơn vị, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức huấn luyện, đào tạo, diễn tập nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng tham gia; xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai; rà soát, thống kê, hướng dẫn và đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình đã cũ, xuống cấp, có dấu hiệu mất an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

UBND tỉnh Long An đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần chủ động nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng tránh, ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn; rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm, xung yếu có khả năng ảnh hưởng thiệt hại khi xảy ra thiên tai; chủ động di dời, sơ tán các hộ dân sống quanh khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười thì tăng cường kiểm tra và chủ động gia cố hệ thống ô bao, bờ bao lửng để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đề phòng lũ lớn có thể xảy ra đột biến; tùy điều kiện thời tiết, thiên tai thực tế để đưa ra các khuyến cáo phù hợp giúp người dân bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Còn các huyện vùng hạ thì rà soát, gia cố các tuyến đê bao bảo vệ dân sinh và sản xuất đề phòng triều cường cao gây ngập úng cục bộ từ tháng 10 Dương lịch đến cuối năm; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và người dân địa phương có hoạt động đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Theo UBND tỉnh Long An, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các loại hình thiên tai như: mưa lớn, dông lốc, sét đánh, sạt lở, nắng nóng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài,… trên diện rộng đã gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Gần đây nhất là tình trạng sạt lở nghiêm trọng đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây, trên địa bàn huyện Thủ Thừa gây đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực. Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã phải ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp, đề ra các biện pháp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Chủ động phòng, chống thiên tai 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO