Lộ trình tái cơ cấu ở Vicem đang đi đúng hướng

14/01/2019 18:12

(TN&MT) - Nhìn vào những con số về sản xuất, tiêu thụ, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho thấy năm 2018 là một năm thành công hơn cả mong đợi của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). Đặc biệt, lần đầu tiên tổng sản phẩm tiêu thụ kỷ lục 29,3 triệu tấn, là năm đầu tiên Vicem có tồn kho thấp nhất, chỉ khoảng 900 ngàn tấn, tương đương 10 ngày sản xuất. Điều đó cho thấy lộ trình tái cơ cấu ở Vicem đang đi đúng hướng.

.
Vicem được Bộ Xây dựng đánh giá cao việc tiếp nhận và tái cơ cấu tài chính thành công 2 nhà máy xi măng

Cốt lõi là quản trị

Năm 2018, Vicem thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Xây dựng giao. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên được đề cập tới chính là việc tái cấu trúc Vicem. Quan điểm của Vicem trong tái cấu trúc doanh nghiệp là sắp xếp lại để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời, tái đầu tư để tập trung vào ngành chính cốt lõi…Bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 5,6,7 và 12/NQ-TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Vicem đã và đang quyết liệt cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, tăng cường nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với báo chí, TGĐ VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, tái cấu trúc cốt lõi là quản trị, trong đó quản trị nhân lực và quản trị tài chính là hai mấu chốt của các vấn đề, do vậy, VICEM thực hiện tái cơ cấu toàn diện các đơn vị yếu kém và các đơn vị không nằm trong chuỗi giá trị gia tăng xi măng; cơ cấu lại thị trường và tăng cường tiêu thụ tại các thịtrường miền Trung - Tây Nguyên; Tăng cường kỷ cương về thu hồi công nợ…. Chính những điều này đã giúp Vicem kiểm soát dòng tiền, công nợ nội bộ cũng như ổn định sản xuất trong suốt năm qua.

Không những thành công từ quản trị nhân lực và tài chính mà Vicem được Bộ Xây dựng đánh giá cao, nhất là việc tiếp nhận và tái cơ cấu tài chính thành công 2 nhà máy xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn với những khoản nợ lũy kế gia tăng là Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty sông Đà (tháng 3/ 2016) và Xi măng Sông Thao từ Tổng công ty HUD (tháng 6/ 2017). Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu.

Giải quyết nút thắt công nghệ

Theo TGĐ Vicem Bùi Hồng Minh, việc đầu tiên Chính phủ giao Vicem là xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nhiệu quả, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện trong vấn đề cấp phép các mỏ nguyên liệu để Vicem đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 7-10%. 

Điều đáng nói ở đây là Vicem nhận thức rõ vai trò, vị thế của mình trong công cuộc đổi mới, phát triển và Vicem nhìn thẳng các vấn đề còn tồn tại, đánh giá đúng thực tiễn, quyết tâm thay đổi phương thức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh với phương châm “Đổi mới - Kỷ cương - Hiệu quả”.

.

Năm 2018, Vicem và các đơn vị thành viên tiếp tục tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tạo giải quyết các nút thắt trong công nghệ, đầu tư theo chiều sâu, tiếp tục giảm tiêu hao về định mức vật tư, giảm chi phí, nâng cao năng suất, cải thiện hệ thống máy nghiền và lò quay clanke.Và năm 2018 lần đầu tiên Vicem đạt 20,455 triệu tấn clanke, tăng 1,5 tiệu tấn so với công suất thiết kế.

Bước sang năm 2019, dự báo Vicem sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là đối mặt với cạn khả năng tăng trưởng. Bởi, suốt những năm qua, đặc biệt là 2018, các nhà máy đã chạy hết công suất, tăng trưởng trong nhiều năm, năm 2018 vượt công suất, nên năm 2019 tăng trưởng 6-8% cũng là điều không hề dễ dàng.

Giải pháp của Vicem năm 2019 vẫn là tập trung tối ưu hóa các dây chuyền công nghệ, cải thiện những nút thắt trong công nghệ để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng về chất lượng, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, xây dựng bộ tiêu chí để kiểm soát hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp, gắn liền với chiến lược phát  triển bền vững.

Đổi mới quản trị con người chính là một trong những yếu tố cốt lõi để “thay máu” doanh nghiệp. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhanh nhất trong giải quyết vấn đề quản trị, đây là những vấn đề chính mà VICEM đã và đang thực hiện.

Từ câu chuyện về tái cơ cấu của Vicem cho thấy đổi mới hoạt động quản trị, đặc biệt là bộ máy nhân sự cần được tiến hành thực chất, nếu không doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chỉ như “bình mới rượu cũ” và mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua cổ phần hóa không đạt được. 

Năm 2018, sản xuất clinker lần đầu tiên đạt 10,425 triệu tấn, vượt công suất thiết kế 1,5 triệu tấn. Sản xuất xi măng cũng đạt 24,7 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần đạt trên 35.201 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.799 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm. Tổng sản phẩm tiêu thụ kỷ lục 29,3 triệu tấn và là năm đầu tiên Vicem có tồn kho thấp nhất, chỉ khoảng 900 ngàn tấn, tương đương 10 ngày sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình tái cơ cấu ở Vicem đang đi đúng hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO