Cần những chính sách đòn bẩy vực dậy ngành xi măng
Mặc dù đã cố gắng xoay sở, thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay bức tranh của ngành xi măng vẫn phủ màu ảm đạm; nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng có nguy cơ phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương không cùng chung tay tháo gỡ thì ngành xi măng khó hồi phục.
Khó khăn chồng chất
Trong lịch sử hơn 100 năm phát triển của ngành xi măng Việt Nam, năm 2023 là thời điểm gặp nhiều khó khăn nhất. Trong 12 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ. Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, nếu trước đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, tăng thời gian chạy lò để gia tăng lợi nhuận thì thời điểm này càng chạy lò càng lỗ, lượng clinker đổ thải ra bãi càng nhiều, chất lượng giảm, chi phí logistic tăng. Không những thế, xi măng là mặt hàng đặc thù, thời hạn sử dụng khoảng 60 ngày, không thể để lâu, nên không thể sản xuất rồi cất kho. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải dừng lò, đóng cửa nhà máy cho công nhân tạm nghỉ việc; những doanh nghiệp lớn thì lựa chọn giải pháp sản xuất cầm chừng, duy trì chạy 1 hoặc 2 lò. Đã có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước.
Mới đây, trong báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp của Hiệp hội xi măng Việt Nam, hiện ngành xi măng có thể sản xuất đạt trên 130 triệu tấn nhưng nhu cầu trong nước chỉ bằng một nửa. Đáng lo ngại, năm 2022 và 2023 tăng trưởng tiêu thụ âm, trong khi tăng trưởng GDP trong giai đoạn đó (tính bình quân số học) là 5,7%. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xi măng phải tìm đường xuất khẩu để duy trì sản xuất (đây là điều “cực chẳng đã” của ngành sản xuất xi măng) nhưng 2 thị trường xuất khẩu truyền thống lớn nhất là Trung Quốc và Philippines cũng đang gặp những khó khăn. Cùng với đó, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới cũng không dễ dàng do một số nước Châu Âu sẽ đánh thuế carbon lên sắt thép, xi măng, phân bón…
Khó khăn càng thêm chồng chất khi từ ngày 01/01/2023, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, các doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế. Nhiều nhà máy phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng 12 tháng.
Ngoài những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết thêm, ngành xi măng còn đối mặt với giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm. Sức ép môi trường đối với các nhà sản xuất xi măng cũng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn…
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clanhke chỉ đạt 87,865 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa là 56,621 triệu tấn xi măng; xuất khẩu là 31,245 triệu tấn, bao gồm: 10,932 triệu tấn clanhke và 20,312 triệu tấn xi măng. Lượng tiêu thụ trong nước chỉ bằng 84% so với năm 2022; tổng lượng xuất khẩu bằng 99% so với năm 2022 nhưng lượng xuất khẩu clanhke chỉ bằng 72% so với năm 2022.
Là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển và tồn tại của ngành Xi măng Việt Nam, Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM ) đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp như phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho để xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu thay thế (rác thải, bùn thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… Tuy nhiên, những nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động VICEM không thể vượt qua khó khăn cán đích như mong đợi. Năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất của VICEM đạt 30.169 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch và giảm hơn 23% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ âm 502 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt khoảng 1.476 tỷ đồng.
Sự khó khăn của VICEM được thể hiện rõ ràng hơn qua kết quả kinh doanh của các công ty con. Đơn cử như VICEM Hải Vân lỗ cả năm lên 64 tỷ đồng. VICEM Bút Sơn báo lỗ 96,2 tỷ đồng và VICEM Hoàng Mai lỗ 31 tỷ đồng…
Gỡ khó bằng cách nào?
Với mong muốn gỡ khó cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa; sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clanhke xi măng; trong khi chưa thể bãi bỏ chính sách thuế đối với xuất khẩu clanhke, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giữ nguyên thuế xuất khẩu clanhke trong 2 năm tới ở mức 5% (như mức thuế trước năm 2023) và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng để thể hiện sự hỗ trợ của nhà nước đối với ngành sản xuất xi măng trong lúc rất khó khăn; chỉ đạo các các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động; chỉ đạo các cơ quan nhà nước có liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy sản xuất xi măng, ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất; đề nghị Nhà nước không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất xi măng tại Việt Nam.
Bàn về giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa, ông Trần Bá Việt - nguyên Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch Hội bê tông cho rằng: Chính phủ cần nhanh chóng có biện pháp giải ngân vốn đầu tư công. Bởi nếu không giải ngân thì không có kinh phí để đầu tư công trình và không có công trình thì ko tiêu thụ được xi măng cũng như các vật liệu khác. Năm 2024 đầu tư ngân phải được thực hiện ngay từ đầu, đây là việc sống còn, quyết định đến đời sống của doanh nghiệp đến sức mạnh của nền kinh tế nói chung và ngành xi măng nói riêng.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng kiến nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, mức tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ đạt chưa đến 650 kg/người/năm. Để tăng tiêu thụ xi măng nội địa, phù hợp với sức của nền kinh tế hiện tại và nhu cầu khách quan về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, cần sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua (miền Trung, thung lũng ở miền núi, đồng bằng sông Cửu Long). Đồng thời sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng - đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông theo kịp các nước tiên tiến, khi đã có đủ xi măng trong nước.
Năm 2024 dự báo là năm tiếp tục còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành xi măng nói riêng. Ngành xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công; các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai… và các chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển. Nếu không được Chính phủ hỗ trợ, sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương thì mục tiêu đạt sản lượng sản xuất Clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3,0% so với thực hiện năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2023 khó thành hiện thực. Con đường tiến đến phát triển xanh, bền vững trong tương lai cũng trở nên xa vời.