LHQ kêu gọi hành động nhân đạo nhằm ngăn COVID-19 bao vây toàn cầu

Mai Đan | 26/03/2020 15:58

(TN&MT) - Để đối mặt với thách thức chưa từng có trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra, ngày 25/3, các quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một lời kêu gọi nhân đạo lớn để giảm thiểu tác động của dịch bệnh này, đặc biệt là đối với các nước có hệ thống y tế yếu kém.

Tại một cuộc họp báo chung, Tổng thư ký LHQ António Guterres, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock, bà Henrietta Fore - Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) về đại dịch COVID-19 và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố kế hoạch nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỷ USD để ứng phó với COVID-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới nhằm bảo vệ hàng triệu người có nguy cơ cao nhất.

Nỗ lực giúp đỡ những người bị tổn thương

Lan rộng tại 195 quốc gia với hơn 400.000 ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong, COVID-19 đang khiến nhiều khu vực trên thế giới đương đầu với xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu là cách duy nhất để chống lại virus corona.

“COVID-19 đang đe dọa toàn bộ nhân loại, vì thế toàn bộ nhân loại phải chống trả lại, phản ứng của từng quốc gia riêng lẻ sẽ không đủ sức” – ông Guterres cho biết.

Theo ông Guterres, việc hỗ trợ những người rất dễ bị tổn thương - hàng triệu người, những người ít có khả năng tự bảo vệ mình nhất - không chỉ là vấn đề về tình đoàn kết của con người mà còn rất quan trọng trong việc chống lại virus.

“Đây là thời điểm để tăng cường bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương”, ông Guterres nói.

Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres công bố Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu do COVID-19 với Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock, bà Henrietta Fore - Giám đốc điều hành UNICEF về đại dịch COVID-19 và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: LHQ

Được tổ chức bởi Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), kế hoạch liên ngành tập hợp các lời kêu gọi hiện nay từ WHO và các đối tác khác của Liên hợp quốc cũng như xác định các nhu cầu mới.

Được tài trợ đúng mức, kế hoạch trên sẽ cứu nhiều mạng sống và hỗ trợ các cơ quan nhân đạo với các vật tư phòng thí nghiệm để thử nghiệm và trang thiết bị y tế để điều trị bệnh trong khi bảo vệ nhân viên y tế.

“Kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các cộng đồng - nơi có người tị nạn và người sơ tán”, ông ông Guterres giải thích.

Lời khuyên cho những vùng đang hỗn loạn vì COVID-19

Người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ cảnh báo việc không giúp các quốc gia dễ bị tổn thương chống lại COVID-19 hiện có thể gây nguy hiểm cho hàng triệu người.

Chỉ ra rằng COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống ở một số quốc gia giàu có nhất thế giới, ông Mark Lowcock cho biết OCHA hiện đang tiếp cận những người sống trong khu vực khó khăn vì không có xà phòng, nước sạch và giường bệnh khiến họ rơi vào tình trạng nguy kịch.

“Nếu chúng ta để virus corona lây lan tự do ở những nơi này, chúng ta sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao, hàng triệu vùng sẽ bị hỗn loạn và virus sẽ có cơ hội quay trở lại trên toàn cầu”, ông Mark Lowcock nhấn mạnh.

Ông thừa nhận rằng các quốc gia chiến đấu với đại dịch “tại nhà” là ưu tiên đúng đắn cho cộng đồng của chính họ, nếu các quốc gia này không hành động ngay bây giờ để giúp các nước nghèo nhất tự bảo vệ mình, họ sẽ thất bại trong việc bảo vệ chính người dân của họ.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giúp các quốc gia này chuẩn bị và tiếp tục giúp đỡ hàng triệu người dựa vào sự hỗ trợ nhân đạo từ LHQ để sống sót”, ông Mark Lowcock nói thêm.

“Nỗ lực đáp ứng toàn cầu của chúng tôi sẽ trang bị cho các tổ chức nhân đạo các công cụ để chống lại virus, cứu sống nhiều người và giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới”, Điều phối viên nhân đạo của LHQ cho biết.

Để thúc đẩy kế hoạch ứng phó, ông Lowcock đã công bố thêm 60 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) của LHQ, mang lại sự hỗ trợ của quỹ này cho đại dịch COVID-19 lên tới 75 triệu USD. Ngoài ra, cho đến nay, các quỹ chung của quốc gia đã phân bổ hơn 3 triệu USD.

“Hãy cùng nhau hành động chống COVID-19”

Người đứng đầu WHO cho biết khi đại dịch tiếp tục gia tăng, điều đáng lo ngại nhất là tất cả mối nguy hiểm mà virus gây ra cho những người đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

Ông Tedros cho biết: “Virus hiện đang lan rộng ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém, bao gồm cả một số quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo”.

“Người dân và cộng đồng – những người đã rời bỏ quê hương do xung đột, di dời, khủng hoảng khí hậu hoặc các dịch bệnh khác là những vấn đề chúng ta phải ưu tiên khẩn cấp”, ông Tedros nhấn mạnh.

Người dân tự cách ly ở Ý thể hiện sự đoàn kết. Ảnh: UNICEF

Người đứng đầu WHO đã gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các quốc gia để nhận được cảnh báo này ngay bây giờ, ủng hộ kế hoạch này về mặt chính trị và tài chính và làm chậm sự lây lan của đại dịch này.

“Lịch sử sẽ đánh giá chúng ta về cách chúng ta phản ứng với những cộng đồng nghèo nhất trong giờ phút “đen tối” nhất của họ. Ngay bây giờ, hãy cùng nhau hành động!” – Tổng giám đốc WHO khẳng định.

“Nạn nhân giấu mặt”

Người đứng đầu UNICEF, bà Fore cho biết trẻ em là những nạn nhân tiềm ẩn của đại dịch COVID-19.

Khóa cửa và đóng cửa trường học đang ảnh hưởng đến giáo dục, sức khỏe tinh thần và tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và làm tăng nguy cơ bóc lột và lạm dụng trẻ em.

“Đối với trẻ em phải chuyển nơi ở hoặc trải qua các cuộc xung đột, hậu quả sẽ không giống với bất kỳ điều gì chúng ta từng thấy. Chúng ta không được để trẻ thất vọng” - bà Fore cảnh báo.

Bà cũng tuyên bố với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể tăng cường các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở các nước có hệ thống chăm sóc y tế yếu hơn và cung cấp hỗ trợ ngắn hạn và lâu dài cho sức khỏe, phúc lợi, sự phát triển và triển vọng của trẻ em.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
LHQ kêu gọi hành động nhân đạo nhằm ngăn COVID-19 bao vây toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO