Theo thống kê năm 2019, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh Lào Cai theo kế hoạch là 2.500ha, trong đó rừng sảm xuất là 1.300ha, rừng trồng lại là 1.200 ha. Tính tới thời điểm hiện tại, ngành lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã trồng được trên 3030 ha rừng, đạt 128% kế hoạch, trong đó rừng sản xuất hơn 1.700 ha; rừng phòng hộ, đặc dụng 375 ha; trồng rừng khác 955 ha. Đề có được con số ấn tượng trong trồng rừng như vậy, từ đầu năm 2019 tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng và trung tâm sản xuất giống chủ động gieo ươm cây giống để cung cấp cho các hộ dân. Đồng thời, đôn đốc các các huyện, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, rừng đặc dụng. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các nguồn lực xã hội từ các thành phần kinh tế khác nhau để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, kết hợp với trồng rừng, đảm bảo khả năng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, lũ lụt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.
Nhờ giá trị kinh tế lớn từ rừng mang lại, người nhân dân trong tỉnh Lào Cai đã tích cực hơn với công tác trồng rừng. |
Gia đình ông Trần Quốc Thắng, xã Sơn Hà (Bảo Thắng) có hơn 1ha trồng quế, sau khi khai thác xong ông Thắng nhanh chóng thu dọn thực bì và đào hố theo đúng kỹ thuật. Hơn 3.000 cây quế giống đặt trước đã được trở đến tận nơi để trồng ngay cho kịp thời vụ. Việc gia đình ông Thắng tự bỏ tiền đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng rừng mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là sự thay đổi nhận thức hoàn toàn so với gần 10 năm trước.
Ông Thắng cho biết: Hơn 10 năm trước, sau nhiều lần chính quyền đến vận động, gia đình ông “miễn cưỡng” chuyển đổi 1,5 ha đất trồng sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng cây quế. Sau 3 năm, cây quế bắt đầu cho nguồn thu từ tỉa lá, cành và đến nay đã thu hoạch toàn bộ, mang lại cho gia đình khoản thu lớn. So sánh hiệu quả kinh tế thì trồng quế cho thu nhập cao và nhàn hơn trồng ngô, sắn. Gia đình đã tự đầu tư tiền để tiếp tục trồng quế, đến nay toàn bộ diện tích đất của gia đình đã được phủ xanh bằng loại cây này.
Để có những ha rừng trồng cho năng xuất chất lượng cao việc kiểm tra cây giống trước khi giao trông rừng là việc các vườn ươm tại Lào Cai đặc biệt quan tâm. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết phong trào tự đầu tư trồng rừng tại xã Sơn Hà đang phát triển rất mạnh. Riêng trong năm 2018, toàn xã đã có 13 hộ dân tự đầu tư trồng rừng trên diện tích gần chục ha. Cây trồng chủ yếu là quế, bởi cây sinh trưởng, phát triển nhanh, giá bán khá cao, đầu ra ổn định. Xã Sơn Hà của huyện Bảo Thắng là xã luôn về đích sớm và vượt kế hoạch trồng rừng. Nhờ giá trị kinh tế từ rừng mang lại lớn, thu nhập từ trồng rừng của xã đạt 80 - 150 triệu đồng/ha sau mỗi đợt khai thác, xã không còn phải đi vận động người dân trồng rừng.
Huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai, là huyện có diện tích trồng rừng vượt chỉ tiêu được giao 135% trong 9 tháng năm 2019, Bảo Yên cũng là huyện liên tục dẫn đầu về tỷ lệ trồng rừng trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông Vũ Thành Công, Phó phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết, hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất lâm nghiệp là không thể phủ nhận, vì vậy những năm gần đây, ở Bảo Yên người dân đã chủ động phát triển kinh tế gắn với rừng. Nhờ trồng rừng kết hợp với kinh tế trang trại, nhiều hộ có thu nhập từ khá trở lên, nhiều người được mệnh danh là triệu phú, tỷ phú trồng rừng. Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Sinh, xa Xuân Hòa và gia đình bà Lý Thị Hường ở xã Nghĩa Đô ( Bảo Yên , Lào Cai) thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, các xưởng chế biến lâm sản cũng có thu nhập khá và tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động trên địa bàn, trong đó xưởng gỗ của anh Nguyễn Văn Vệ ở xã Minh Tân giúp khoảng 20 lao động có việc làm ổn định.
Rừng và lợi ích từ rừng đã dần làm thay đổi cuộc sống của người dân tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai |
Chủ trương trồng những cây có giá trị kinh tế cao và vận dụng linh hoạt chính sách giao đất, giao rừng cho người dân đang phát huy hiệu quả lớn tại Lào Cai. Trồng rừng không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, bởi góp phần bảo vệ môi trường, chống sa mạc hóa, hạn chế biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích rừng được mở rộng hay không lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại. Từ thực tế đó, tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển rừng bền vững. Ngoài phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương với các chiến lược phát triển tích cực nhằm tái tạo rừng, trong đó chú trọng đến áp dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến, trồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó mà tận dụng được nguồn nguyên liệu, tránh lãng phí tài nguyên và đem lại hiệu quả kinh tế cho những người đang sở hữu rừng.