Môi trường

Sơn La: Tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép

Nguyễn Nga 25/01/2025 - 15:54

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 115/UBND-KT, về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, một số biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng được triển khai quyết liệt tại nhiều địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại một số huyện còn phức tạp, một số vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

img_7279.jpeg
Lực lượng kiểm lâm huyện Sốp Cộp tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ xâm hại tài nguyên rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cho Chủ tịch UBND cấp xã, chính quyền cấp xã; ký cam kết nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Rà soát, công bố, công khai quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái phép.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện, UBND cấp xã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát xác định các địa bàn, khu vực thường xảy ra các hành vi vi phạm về lâm nghiệp; xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án đấu tranh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó, đặc biệt xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm về phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trái phép…

Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

img_3066.jpg
Năm 2024, Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã phối hợp với các địa phương tổ chức 1.147 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng với 87.283 lượt người tham gia.

UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện tốt công tác PCCCR; phối hợp tham mưu thực hiện tốt các nội dung ký kết công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp giữa Chủ tịch UBND huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xác định các khu vực, địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; xây dựng phương án, kế hoạch, xác định các biện pháp cụ thể để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn được giao quản lý.

Chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra tại các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Tập trung điều tra, xác minh xử lý dứt điểm các vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Theo lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh, trong năm 2024, Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc đã phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và chính quyền cơ sở mở 1.147 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, PCCCR tại các xã, bản, với 87.283 lượt người tham gia và ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ký kết quy chế bảo vệ rừng giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; giữa chính quyền huyện, thành phố với xã phường và xã phường với người dân. Củng cố kiện toàn các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng, triển khai phương án và bố trí lực lượng PCCCR của các huyện; xác định bổ sung vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bổ sung lên bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng.

Kết quả, trong năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ cháy, giảm 33% so với năm 2023, thiệt hại chủ yếu là rừng hỗn giao tre nứa. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 313 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 35 vụ so với năm 2023; thu nộp ngân sách nhà nước trên 6 tỷ đồng.

Đến hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48%, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 1.430 ha rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh 9.895 ha, trồng 1 triệu cây phân tán, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 48,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO