(TN&MT) - Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ổn định đời sống của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, những năm qua, triển khai công tác thu hồi, hỗ trợ, tái định cư, tỉnh Lào Cai luôn nỗ lực hài hòa lợi ích của Nhà nước và người bị thu hồi đất.
Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Phạm Năng Chung - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lào Cai để hiểu rõ hơn về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại tỉnh Lào Cai khi Nhà nước thu hồi đất?
Ông Phạm Năng Chung: Như chúng ta đã biết, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng, phát triển KT-XH và ổn định đời sống của người dân. Do vậy, vấn đề dung hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai đã thường xuyên chỉ đạo tổ chức các buổi tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất. Tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn, giúp đội ngũ cán bộ nắm bắt kịp thời các quy định của Luật Đất đai.
Với chức năng là cơ quan tham mưu cho tỉnh Lào Cai về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Sở TN&MT Lào Cai đã bám sát các quy định của Luật, tham mưu cho tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn. Tham mưu kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đối với các dự án phải thu hồi đất với diện tích lớn như: dự án Cảng hàng không Sa Pa, Công trình chào mừng kỷ niệm 120 năm khu du lịch Sa Pa, dự án cấp nước sạch tại huyện Si Ma Cai,... tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc do Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai làm Trưởng Ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành để trực tiếp giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc.
Tại các dự án đều thành lập các nhóm Zalo để kịp thời thông tin, đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp phải có ý kiến bằng văn bản, thời gian giải quyết chậm nhất không quá 3 ngày.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo huyện luôn bám sát tình hình, chỉ đạo trực tiếp, giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh. Với cấp cơ sở, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về tiến độ GPMB các công trình, dự án trên địa bàn.
PV: Những khó khăn khăn thách thức của Lào Cai đang gặp phải trong công tác công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là gì, thưa ông?
Ông Phạm Năng Chung: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hiện chưa sát với thực tế dẫn đến người dân vẫn có đơn thư, khiếu nại, khiếu kiện; công tác thu hồi GPMB các dự án còn chậm. Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 - 2023, tổng diện tích thu hồi đất của tỉnh Lào Cai là 4.784,1ha, đạt 35,8 % kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2024, diện tích thu hồi đất là 547,5ha, đạt 15,1 % kế hoạch.
Nguyên nhân là do chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất; Đất đai có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên thay đổi chưa được cập nhật qua các thời kỳ; Giá đất bồi thường chưa sát thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân có đất bị thu hồi.
Công tác kê khai đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ cho người dân còn hạn chế. Đặc biệt là công tác xác định thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất của chính quyền cơ sở dẫn đến thời gian kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần.
Nhận thức pháp luật về đất đai của người dân chưa đồng đều, đặc biệt hạn chế ở vùng đồng bào DTTS. Nhiều người không thuộc đối tượng, không đủ điều kiện bồi thường nhưng người sử dụng đất luôn có yêu cầu chính sách cao nhất trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Một số dự án có diện tích thu hồi đất lớn, làm mất tư liệu sản xuất của người dân nhưng không có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp, tái lao động sản xuất để ổn định cuộc sống cho dân.
PV: Đề công tác công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đạt hiệu quả cao, tỉnh Lào Cai có phương án, giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Phạm Năng Chung: Như chúng ta đã biết, Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thống nhất thông qua có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Để triển khai thi hành Luật Đất đai, tỉnh Lào Cai đã giao các sở: Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT..., chủ trì tập trung xây dựng 3 Quyết định của tỉnh Lào Cai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành có hiệu lực trong tháng 8/2024.
Trong quá trình xây dựng văn bản, căn cứ quy định của Luật và tình hình thực tế tại địa phương, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai đảm bảo quy định đúng, đủ các chính sách theo Luật Đất đai và các quy định của UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người có đất bị thu hồi.
Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành, Sở TN&MT Lào Cai sẽ tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư triển khai ngay các quy định mới về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để các địa phương áp dụng thực hiện có hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!