Trong bài viết: Hoài Đức, Hà Nội: Tràn lan các công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy, phóng viên báo TN&MT đã phản ánh thông tin liên quan tới hàng loạt công trình xây dựng không phép mọc trên hành lang thoát lũ sông Đáy (thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Cụ thể, nhiều nhà xưởng lớn nhỏ đã được xây dựng kiên cố phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. Có nhiều nhà xưởng chỉ cách mép nước sông Đáy khoảng 10m. Xen lẫn những nhà xưởng là hàng loạt ô đất đã được xây tường gạch bao quanh và phân thành lô, sẵn sàng cho người khác thuê nếu họ có nhu cầu.
Những công trình này được xây dựng chỉ cách mép nước sông Đáy khoảng hơn chục mét |
Đáng nói hơn nữa, khu vực mà phóng viên đề cập trên đây cách trụ sở UBND xã Đông La không xa nhưng những hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra trong một thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý dứt điểm. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Đông La vừa qua, nhiều vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Nhằm rộng đường dư luận, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoài Đức để làm rõ những khúc mắc nêu trên.
Thừa nhận những thông tin mà báo TN&MT phản ánh là chính xác, ông Lý khẳng định: “Hầu hết các vi phạm đều xảy ra trên đất nông nghiệp”. Nguyên nhân theo vị trưởng phòng này là bởi: “xã Đông La là một trong 3 xã ở Hoài Đức cơ bản hoàn thành chương trình nông thôn mới và tiến hành xong việc dồn điền đổi thửa. Thành ra khi người dân có diện tích đất ruộng lớn, kết hợp với nhu cầu mặt bằng để sản xuất kinh doanh của các làng nghề ngày càng tăng nên rất dễ xảy ra tình trạng xây tường bao để dựng nhà xưởng”.
Đề cập tới những giải pháp để xử lý dứt điểm những tồn tại mà báo TN&MT nêu, ông Nguyễn Xuân Lý nói: “Đối với những vi phạm tồn tại ở xã Đông La do buông lỏng quản lý của những năm trước đây, lãnh đạo huyện Hoài Đức có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này như sau. Giải pháp đầu tiên là yêu cầu xã Đông La có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới (nếu có thì phải tổ chức cưỡng chế ngay). Đối với các vi phạm trước đây, UBND xã cần căn cứ vào luật, vào quy hoạch để phân loại, củng cố hồ sơ xem công trình nào cần xử lý cưỡng chế ngay, công trình nào cần xem xét cưỡng chế sau. Kế hoạch của huyện là củng cố hồ sơ và tiến hành cưỡng chế từng bước. Song song với đó là yêu cầu người dân là tự giác chấp hành, tự tháo dỡ công trình nhằm tránh thiệt hại. Nếu hộ dân nào vẫn cố tình không chấp hành thì huyện sẽ kiên quyết tổ chức lực lượng về cưỡng chế”.
Lãnh đạo xã Đông La sẽ phải kiểm điểm trước huyện ủy vì những sai phạm này? |
Trả lời câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Đông La khi để xảy ra những vi phạm trên, trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức cho hay: “Bên cạnh những nỗ lực của lãnh đạo xã Đông La trong năm 2017 trong việc hạn chế phát sinh những vi phạm mới nhưng thực tế vẫn còn một số hộ vi phạm. Năm 2016, xã Đông La là một trong những xã mà Thường trực huyện ủy yêu cầu kiểm điểm sâu về tình hình quản lý đất đai. Năm 2017 này, lãnh đạo xã Đông La tiếp tục phải kiểm điểm sâu trước huyện ủy vì buông lỏng quản lý trong quản lý đất đai. Khi để xảy ra những vi phạm đó, trách nhiệm của tập thể như thế nào? Thế rồi trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu ra làm sao? Trách nhiệm của địa chính xã đến đâu? Tất cả vấn đề này huyện ủy sẽ yêu cầu lãnh đạo xã Đông La kiểm điểm, làm rõ”.
Trong một diễn biến liên quan, tại văn bản số 84/KH-UBND, UBND xã Đông La đã quyết định áp dụng cưỡng chế đối với 8 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 2016. Thời gian tiến hành cưỡng chế diễn ra từ ngày 07/11 đến hết ngày 15/11/2017. Tại buổi làm việc trước đó, ông Trịnh Đắc Chuyên, Phó chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, sẽ mời phóng viên báo TN&MT xuống tham dự buổi cưỡng chế. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, dù phóng viên nhiều lần liên hệ với lãnh đạo xã để cập nhật tình hình nhưng không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo xã này đều không nghe máy.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Phạm Văn